Nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương
Ở tỉnh Bình Dương, tuy tình hình tai nạn giao thông trong những năm qua có xu hướng giảm nhẹ trên cả ba chỉ tiêu (số vụ, số người chết và số người bị thương) nhưng việc nâng cao an toàn giao thông vẫn là thách thức to lớn, lâu dài. Để góp phần giải quyết thách thức đó, đề tài này đi vào nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp mang tính toàn diện và cụ thể cho tỉnh, với sự thập trung vào các giải pháp kỹ thuật nhằm cắt giảm mạnh số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số lượng bị thương, góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố thông minh, đáng sống.
Đề tài Nghiên cứu xây dựng bộ giải pháp nâng cao an toàn giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương do Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức thực hiện với mục tiêu của đề tài là phân dạng tai nạn giao thông, phân tích sâu nguyên nhân của mỗi dạng tai nạn; xây dựng khung đánh giá, bộ chỉ tiêu đánh giá tác động của giải pháp đề xuất, hoàn thiện các biểu mẫu, quy trình liên quan đến việc thu thập dữ liệu tai nạn giao thông; đề xuất bộ giải pháp (tập trung vào các giải pháp kỹ thuật) cụ thể nhằm nâng cao an toàn giao thông đường bộ cho tỉnh Bình Dương dựa trên các phân tích và đánh giá.
Qua tìm hiểu và phân tích việc đánh giá kết quả các dự án an toàn giao thông của một số nước và thao các phương pháp của các nước, các tổ chức quốc tế, nhóm nghiên cứu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như: phương pháp phân tích lợi ích - chi phí là phương pháp phù hợp nhất trong đánh giá kết quả các dự án an toàn giao thông, đây cũng là phương pháp được đề xuất áp dụng cho Bình Dương; phương pháp so sánh Before - After và Do - Do nothing được sử dụng phổ biến cho dự án an toàn giao thông; cần có định nghĩa về các đơn vị phù hợp trong việc thực hiện giải pháp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; định lượng lợi ích phải dựa trên cơ sở chi phí thiệt hại tai nạn giao thông của mỗi nước; cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ và có hệ thống theo dõi thường xuyên, nhằm đưa ra những đánh giá một cách chính xác nhất.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập số liệu tai nạn giao thông tại các huyện thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, kết quả cho thấy: Chưa có huyện nào trên địa bàn tỉnh Bình Dương sử dụng mẫu 02/TNĐB theo Thông tư số 58/2009/BCA (C11) thay vào đó là mẫu 47GT theo Quyết định số 1093/2000/QĐ-BCA (C11); các số thụ lý tai nạn giao thông theo mẫu 47GT không thống nhất về mặt hình thức và nội dung ghi nhận các vụ tai nạn giao thông, không phân biệt cụ thể các nội dung quan trọng như thời điểm và địa điểm xảy ra tai nạn giao thông; các sổ thụ lý tai nạn giao thông chưa được bảo quản trong điều kiện tốt nên dẫn đến việc hư hỏng và mất mát; cán bộ lưu trữ dữ liệu tại nạn giao thông tại các huyện trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin không cao…
Phân tích sâu các dạng, nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương như thu thập và phân tích số liệu chi tiết các vụ tai nạn giao thông trong quá khứ; xây dựng bản đồ điểm đen và hệ cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông trên nền GIS; quay phim, xử lý hình ảnh và phân tích xung đột giao thông; khảo sát phỏng vấn, phân tích tâm lý học chuyên sâu một số hành vi mất an toàn giao thông điển hình…
Trong xây dựng khung phân tích đánh giá tác động của các giải pháp nâng cao an toàn giao thông, hoàn thiện quy trình và biểu mẫu thu thập dữ liệu tai nạn giao thông, nhóm nghiên cứu tiến hành thiết lập các mục tiêu quản lý nâng cao an toàn giao thông; mô hình phân tích sự thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi của người tham gia giao thông; mô hình phân tích mức độ cắt giảm số lượng, mức độ nghiêm trọng của các xung đột trong dòng giao thông; mô hình đánh giá hiệu quả kinh tế của các giải pháp, chính sách nâng cao an toàn giao thông…
Từ những nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho tỉnh Bình Dương tập trung cắt giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến 6 nguyên nhân hành vi chủ yếu: Lưu thông không đúng làn đường, phần đường quy định; sử dụng rượu bia; chuyển hướng không đảm bảo an toàn; không chú ý quan sát; không nhường đường và vượt tốc độ. Các giải pháp giáo dục, tuyên truyền: phổ biến luật giao thông đường bộ; thông tin nguy cơ xảy ra tai nạn và hậu quả nghiêm trọng; giới thiệu, phổ biến văn hóa ứng xử tham gia giao thông; xây dựng, phát động các phong trào đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tích hợp giảng dạy an toàn giao thông vào chương trình học của các cấp học; xây dựng các bài giảng phù hợp, tập huấn trình độ đội ngũ giáo viên.
Đồng thời, đề tài tiến hành đánh giá, dự báo hiệu quả của các giải pháp đề xuất; đánh giá hiệu quả và tác động của các giải pháp giáo dục và tuyên truyền và thực hiện thí điểm một số giải pháp kỹ thuật mà đề tài đã đưa ra.
Minh Hải (Đọc toàn văn đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)