Nhìn lại quan hệ Bình Dương – Champasak, giai đoạn: 2006 – Nay
TS Nguyễn Hoàng Huế - Nguyễn Tạ Bảo Tín trường Đại học Thủ Dầu Một
Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, tình hình thế giới có nhiều thay đổi tác động đến quan hệ quốc tế, khu vực và sự phát triển của mỗi quốc gia, song quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào vẫn không ngừng được gìn giữ, củng cố và phát huy. Trên thế giới, ít có quốc gia, dân tộc nào có quan hệ truyền thống đặc biệt, đồng chí, anh em, thuỷ chung, trong sáng như Việt Nam và Lào. Mối quan hệ hữu nghị đó được thể hiện trên nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau, trong đó có đóng góp quan trọng của quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đặc biệt là mối quan hệ Bình Dương – Champasak.
Kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 2006, đến nay quan hệ Bình Dương – Champasak đã không ngừng được đẩy mạnh, góp phần tạo nên thành tựu kinh tế - xã hội của hai địa phương nói riêng và hai nước Việt Nam và Lào nói chung. Sự thành công trong hợp tác Bình Dương – Champasak là một trong những động lực để thúc đẩy quan hệ song phương của hai nước tiếp tục phát triển ngày càng bền vững.
1. Cơ sở mối quan hệ Bình Dương – Champasak
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Quan hệ hai nước đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và quy luật phát triển chung của cách mạng mỗi nước. Quan hệ Việt Nam và Lào được dày công vun đắp, tôi luyện trong thực tế, được hun đúc bằng công sức và xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ và bằng sự hy sinh phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào.
Sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam và Lào đã tạo cho mình sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong quá trình đó mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước vẫn không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Trước sự biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ Việt Nam - Lào vẫn có những bước phát triển mới về chất, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Hiện nay và trong tương lai lâu dài, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước; Việt Nam với Lào cần phối hợp và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước và toàn khu vực. Mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào được thể hiện trên nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau, trong đó có đóng góp quan trọng của quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đặc biệt là mối quan hệ Bình Dương – Champasak.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Hội nhập quốc tế là nhu cầu khách quan và xu hướng tất yếu để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Trong xu hướng chung đó, Bình Dương đã khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, nguồn lực của tỉnh để chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Champasak là một tỉnh lớn nằm ở vị trí trọng yếu trên điểm giao của hành lang Đông - Tây, giáp biên giới với Thái Lan và Campuchia. Các tỉnh lân cận với Champasak về phía bắc là Salavan, Sekong và Attapư cùng các tỉnh của Campuchia, về phía nam là Stung Treng và Preah Vihear, về phía tây là tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Chính lợi thế địa lý này đã tạo cho Champasak một vị trí chiến lược về kinh tế, là đầu mối giao thông từ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Champasak được xem là trung tâm kinh tế văn hóa của 4 tỉnh nam Lào.
Sau một thời gian tìm hiểu, ngày 13/11/2006, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương - Champasak đã ký kết thỏa thuận hợp tác, đầu tư giữa hai địa phương. Đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai tỉnh Bình Dương - Champasak nói riêng cũng như quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Bình Dương và Champasak ngày càng khắng khít, với nhiều chuyến thăm, học tập kinh nghiệm và tìm hiểu môi trường đầu tư giữa hai bên.
2. Thực trạng quan hệ Bình Dương – Champasak (2006 - Nay)
Kể từ khi hai tỉnh Bình Dương và Champasak (Lào) thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đầu tư phát triển vào năm 2006, trải qua 13 năm (2006 – 2019) tuy là quãng thời gian ngắn so với mối thâm tình gắn bó keo sơn giữa hai nước Việt Nam - Lào nhưng cũng đủ để hai tỉnh Bình Dương - Champasak tạo những dấu ấn đặc biệt cho nhau, đặc biệt là trên các phương diện Chính trị , ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế.
2.1. Lĩnh vực chính trị, ngoại giao
Tính đến năm 2019, tỉnh Bình Dương đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác hữu nghị với 10 địa phương của nước ngoài, trong đó tỉnh Champasak (Lào) là một trong những địa phương sớm được thiết lập quan hệ. Thỏa thuận về việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đầu tư với tỉnh Champasak (Lào) được ký kết vào năm 2006.
Năm 2006, đoàn công tác đầu tiên của tỉnh Bình Dương sang Champasak bàn bạc hợp tác cùng phát triển. Ngày 13/11/2006, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào, lãnh đạo 2 tỉnh Bình Dương - Champasak đã ký kết thỏa thuận hợp tác, đầu tư giữa 2 địa phương. Biên bản thỏa thuận về việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai địa phương với những nội dung chủ yếu như: hai bên tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác về nhiều mặt giữa hai địa phương; tăng cường các hoạt động trao đổi, giao lưu và học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác đầu tư; phối hợp hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao và công nghệ thông tin…
Sau khi thiết lập quan hệ, hai bên đã cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác thành hành động thiết thực để mang lại những giá trị to lớn về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... Trong mối quan hệ giữa hai tỉnh, hai bên luôn nhận sự quan tâm tạo điệu kiến và hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Bình Dương - Champasak.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác tỉnh Bình Dương tại tỉnh Champasak năm 2016, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi các đoàn đại biểu cấp cao sang thăm, làm việc, học tập kinh nghiệm lẫn nhau; cùng hỗ trợ trường Đại học Thủ Dầu Một và Đại học Champasak tiến hành các hoạt động nghiên cứu, hợp tác, trao đổi học thuật, chuyển giao chương trình đào tạo; Bình Dương tiếp tục giúp đỡ đào tạo sinh viên tỉnh Champasak… [4, tr2]. Về phía Champasak, tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát và giao đất cho DVLR thực hiện thành công dự án trồng 10.000 ha cây cao su; giúp đỡ Bình Dương đào tạo cán bộ tại Lào... Đặc biệt, Bình Dương sẽ hợp tác, hỗ trợ về chuyên môn giúp tỉnh Champasak hoạch định chính sách phát triển công nghiệp hiện đại, quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp. Lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương - Champasak tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (3-2) cũng như các doanh nghiệp khác của tỉnh Bình Dương đầu tư vào ngành dịch vụ, du lịch, các dự án phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Champasak.
Quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác về nhiều mặt giữa Bình Dương và Champasak không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về chính trị đối ngoại mà còn là mối quan hệ hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi, theo đúng tinh thần lời dạy của Bác Hồ “giúp bạn cũng là giúp mình”. Việc duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai tỉnh sẽ càng thắt chặt hơn nữa tình cảm khăng khít, sâu nặng giữa nhân dân hai địa phương, cũng như trên phạm vi rộng hơn là hai quốc gia.
2.2. Lĩnh vực kinh tế
Hợp tác trên lĩnh vực kinh tế là một trong những ưu tiên trong mối quan hệ Bình Dương – Champasak. Trong giai đoạn 2006 – Nay, hai tỉnh đã gắn kết bên nhau cùng phát triển, Bình Dương đã cụ thể hóa tình cảm gắn kết keo sơn bằng những hỗ trợ đặc biệt cho Champasak. Năm 2006, tỉnh hỗ trợ cho bạn hàng chục ngàn USD để hiện đại hóa trang thiết bị máy tính cho Trung tâm tin học Champasak. Trong năm 2007, Bình Dương tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh bạn gần 1 triệu USD nhằm thực hiện một số dự án phục vụ cho Đại hội thể thao quốc gia Lào và SEA Games 25. Các hạng mục bao gồm xây dựng hồ bơi, sửa chữa các loại trang thiết bị truyền hình, thiết bị phát thanh, cải thiện báo Champamay...
Tháng 6/2007, cây cao su đầu tiên của Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào (DVLR) được trồng tại Champasak, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế Bình Dương – Champasak. Kể từ đó, mối quan hệ kinh tế giữa Bình Dương và Champasak ngày càng khăng khít, với nhiều chuyến thăm, học tập kinh nghiệm và tìm hiểu môi trường đầu tư giữa hai bên.
Lãnh đạo tỉnh Champasak cũng như các sở, ngành chức năng địa phương đã tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào triển khai thực hiện trồng 10.000 ha cây cao su. Đến năm 2018, công ty đã nhận được 6.722 ha đất để thực hiện cam kết đầu tư tại tỉnh bạn. Ngoài ra, Champasak cũng đã hỗ trợ bốtrí quỹ đất và địa điểm giúp DVLR xây dựng văn phòng công ty, nhà máy chế biến mủ cao su và nhà máy sản xuất gốm sứ tại địa phương.
Ông Trần Minh Nhật, Phó Giám đốc DVLR cho biết, đến nă m 2018 công ty đã trồng được 6.722 ha cao su tại các huyện Paksong, Ba Chiêng, Sanasombun (tỉnh Champasak) và Lào Ngam, Lakhongphen (tỉnh Salavan). Khí hậu và thổ nhưỡng ở Lào rất phù hợp với cây cao su nên vườn cây sinh trưởng khá tốt. Vườn cây cao su của DVLR được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá cao về quy trình trồng, chăm sóc, kiến thiết cơ bản. Công ty là một trong những đơn vị trong ngành đầu tư ra nước ngoài có suất đầu tư phù hợp [4, tr3].
Năm 2013, sau hơn 6 năm đầu tư chăm sóc, công ty đã chính thức mở cạo đợt đầu tiên. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự thành công của dự án. Đến nay, trong tổng số 6.722,66 ha cao su hiện có, công ty đã mở cạo 3.843,5 ha. Trong năm 2015, công ty đã khai thác được trên 3.078 tấn mủ, đạt 102,63% kế hoạch sản lượng; năng suất vườn cây đạt 1,21 tấn/ha. DVLR đã chế biến và gia công trên 2.698 tấn mủ, trong đó sản phẩm do công ty sản xuất là 1.835,62 tấn. Trong năm qua, công ty đã tiêu thụ 2.630,23 tấn sản phẩm, đạt tổng doanh thu 73,14 tỷ đồng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho tỉnh bạn.
Cùng với việc thực hiện các bước của dự án theo đúng tiến độ, DVLR còn chú trọng đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, nhất là công nhân tại địa phương cũng như người dân ở trong vùng dự án. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, công ty đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, chi trả tiền lương kịp thời cho người lao động nhằm giúp họ yên tâm sản xuất. Hiện toàn công ty có trên 1.200 người, trong đó lao động người Lào trên 1.000 người.
Năm 2015, công ty đã thanh toán tiền lương cho cán bộ, công nhân lao động gần 52 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt trên 3,5 triệu đồng/ người/tháng, bằng 116,7% kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công ty còn dành 1,77 tỷ đồng để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho cán bộ, công nhân lao động. Công ty cũng đã cấp phát hàng bảo hộ lao động cho cán bộ, công nhân lao động gồm 7 mặt hàng với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng [4, tr4].
Lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương - Champasak hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH MTV (3-2) cũng như các doanh nghiệp khác của tỉnh Bình Dương đầu tư vào ngành dịch vụ, du lịch, các dự án phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Champasak.
2.3. Lĩnh vực văn hóa , giáo dục
Trong biên bản thỏa thuận về việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Bình Dương – Champasak đã khẳng định rõ: hai bên tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác về nhiều mặt giữa hai địa phương; tăng cường các hoạt động trao đổi, giao lưu và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, phối hợp hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao và công nghệ thông tin...
Thực hiện thỏa thuận về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tính đến năm 2018, tỉnh đã tiếp nhận, cấp học bổng toàn phần, bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt và học tập cho hàng chục sinh viên của tỉnh Champasak theo học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Đại học Bình Dương. Tính đến năm 2016, tỉnh Bình Dương đã đào tạo cho 40 sinh viên Lào theo học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Thông tin và Kế toán -Tài chính, được cấp học bổng toàn phần (do Trường Đại học Thủ Dầu Một trực tiếp đào tạo).
Về phía bạn, tỉnh Champasak cũng đã hỗ trợ 6 suất học bổng tiếng Lào tại trường Đại học Champasak cho cán bộ, công chức tỉnh Bình Dương cũng như cán bộ, nhân viên của DVLR. Bên cạnh đó, Champasak còn cử nhiều cán bộ, công chức sang thăm và làm việc, trao đổi, giao lưu, học tập kinh nghiệm của Bình Dương. Có thể nói, trong mối quan hệ keo sơn, gắn bó giữa hai địa phương, cả Bình Dương lẫn Champasak đều sẵn sàng san sẻ và hỗ trợ nhau vềmọi mặt từ vật chất đến tinh thần để cùng phát triển, lo cho dân giàu, nước mạnh.
Trong hợp tác về văn hóa , giáo dục, có một sự kiện đặc biệt, từ ngày 14 đến 17/3/2019, đoàn giảng viên và học viên cao học trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện chuyến thực tập khoa học tại tỉnh Champasak, nước CHDCND Lào. Tham gia chuyến thực tế có PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Viện trưởng Viện Phát triển KHCN, Trưởng khoa KHTN, lãnh đạo Viện Phát triển chiến lược, chuyên gia của công ty Rdco- Nông nghiệp và gần 30 học viên cao học các khối ngành Lịch sử, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.
Trong chuyến thực tập khoa học này, các giảng viên và học viên đã thực hiện chuỗi công việc như: nghiên cứu các địa hình, khảo cổ về di tích lịch sử, về môi trường và đa dạng sinh học,…; Tham gia tọa đàm khoa học về nông nghiệp cao và chuyển giao thành tựu KHCN đến doanh nghiệp do hai trường Đai học Thủ Dầu Một và Đại học Champasak đồng tổ chức. Kết quả từ chuyến đi góp phần củng cố nền tảng cho học viên cao học của Trường triển khai các đề tài nghiên cứu mang tính quốc tế hóa và góp phần vào chiến lược hợp tác phát triển giữa tỉnh Champasak và ĐH Thủ Dầu Một.
Trong chuyến công tác, đoàn chuyên gia của Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng có buổi làm việc cùng với Lãnh đạo Trường, Trưởng các khoa Nông nghiệp, Khoa học tự nhiên, khoa Công nghệ…của Đại học Champasak để triển khai dự án ứng dụng và chuyển giao giống bò cao sản, cung cấp một số kỹ thuật cao về sinh sản của Đại học Thủ Dầu Một cho tỉnh Champasak. Đây là những nội dung công việc đã được ký kết giữa hai trường cải tiến sự tăng trọng của giống bò bản địa tỉnh Champasak từ nguồn tinh trùng do đại học Thủ Dầu Một tài trợ, đồng thời phát triển phòng nuôi cấy phôi, mô động vật tại đại học Champasak. Chương trình này đã được sự đồng thuận của Tỉnh trưởng tỉnh Champsak, Hiệu trưởng Đại học Champasak và Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một ký kết trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Đại học Thủ Dầu Một và tỉnh Champasak.
2.4. Lĩnh vực y tế
Trong giai đoạn 2006 - 2018, mỗi năm Bình Dương đều hỗ trợ cho các đoàn cán bộ hưu trí cấp cao của tỉnh Champasak sang khám bệnh, nghỉ dưỡng ngắn hạn tại Bình Dương. Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào luôn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội ngũ làm công tác chuyên môn chăm lo sức khỏe công nhân. Công ty có 2 dược sĩ, 4 y sĩ được bố trí ở các đơn vị và trang bị tủ thuốc, những dụng cụ cơ bản để có thể sơ cấp cứu ban đầu.
Năm 2015, công ty đã khám và điều trị cho gần 2.800 lượt cán bộ, công nhân lao động và nhân dân địa phương trong vùng dự án với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Từ năm 2006 đến nay, công ty đã tiến hành các hoạt động phúc lợi xã hội tại 5 huyện của hai tỉnh Champasak và Salavan với nhiều hạng mục công trình. Điều này được chính ông Bounthong Divixay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Champasak tâm đắc kết luận: “Những gì mà Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào đã làm được hết sức có ý nghĩa đối với chúng tôi. Không chỉ làm đường, kéo điện, khoan giếng... phục vụ dân sinh, công ty còn dạy văn hóa cho con em công nhân, hỗ trợ khám chữa bệnh, trao học bổng cho học sinh nghèo Champasak... Có thể nói, không chỉ là 1 trong 29 nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn, công ty đã thể hiện trách nhiệm cộng đồng hàng đầu tại địa phương chúng tôi” [4, tr3].
3. Đánh giá chung về quan hệ Bình Dương – Champasak (2006 - Nay)
3.1. Thành tựu
Trong những năm đầu thế kỷ XXI (2006 - Nay), quan hệ Bình Dương - Champasak đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Những chuyển biến đó được thể hiện rõ ràng qua các lĩnh vực hợp tác trong mối quan hệ Bình Dương - Champasak. Trong đó tiêu biểu nhất là trên lĩnh vực lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế.
Những thành tựu đạt được trong quan hệ Bình Dương - Champasak là sự khẳng định tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai nước và hai địa phương trong quá khứ sẽ được tiếp tục phát huy và phát triển trong thế kỷ XXI.
Đối với Bình Dương, quan hệ Bình Dương - Champasak (2006 - Nay) với những thành tựu đạt được đã góp phần khẳng định vai trò và vị trí to lớn của Bình Dương trong khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung góp phần xây dựng quan hệ Việt - Lào.
Đối với Champasak (Lào), những thành tựu đạt được trong quan hệ Bình Dương - Champasak (2006 - Nay) đã giúp bạn đáp ứng một phần yêu cầu phát triển đa dạng của địa phương và đất nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế trong quá trình đổi mới, mở cửa giao lưu với bên ngoài. Mặt khác, quan hệ Bình Dương - Champasak đã giúp phía bạn khắc phục được phần nào những khó khăn về giao thông vận tải, lao động và thị trường, qua đó từng bước phát huy lợi thế so sánh của mình, phát triển sản xuất và mở được các kênh tiêu thụ sản phẩm ra thị trường thế giới.
Những thành công bước đầu của sự hợp tác giữa quan hệ Bình Dương và Champasak trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI cũng đã có tác động không nhỏ trong việc thúc đẩy quá trình hợp tác và liên kết giữa các địa phương của hai nước và quan hệ Việt - Lào.
Ngoài ra, những thành tựu đạt được trong quan hệ Bình Dương - Champasak (2006 - Nay), bước đầu đã góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách của hai nước, thúc đẩy quá trình đầu tư của các địa phương và các nước phát triển trên phạm vi hai nước nói riêng và khu ASEAN nói chung.
Những kết quả đạt được trong quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác về nhiều mặt giữa Bình Dương và Champasak không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về chính trị đối ngoại mà còn là mối quan hệ hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi, theo đúng tinh thần lời dạy của Bác Hồ “giúp bạn cũng là giúp mình”. Việc duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai tỉnh sẽ càng thắt chặt hơn nữa tình cảm khăng khít, sâu nặng giữa nhân dân hai địa phương, cũng như trên phạm vi rộng hơn là hai quốc gia.
3.2. Hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, quan hệ Bình Dương - Champasak (2006 - Nay) đã và đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức:
Dù công cuộc đổi mới ở hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song về cơ bản Việt Nam và Lào đều là những nước nghèo. Điều đó ảnh hưởng lớn đến quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và các địa phương của hai nước nói riêng, vì nguồn lực vốn đầu tư và nhân lực để đáp ứng yêu cầu hợp tác trong thực tế còn rất thấp. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế chưa thực sự được coi trọng, chưa được coi là một lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác Bình Dương – Champasak (2006 - Nay).
Bình Dương - Champasak đều đang trong quá trình chuyển đổi và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, chuyển dịch nền sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế. Điều đó đã gây khó khăn trong quan hệ kinh tế giữa hai tỉnh do thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô và vi mô, kinh tế thị trường…
Sự chưa đồng bộ về cơ chế chính sách ở mỗi nước cũng như sự khác nhau về tâm lý, tập quán, lối sống… cũng là một khó khăn trong quá trình hợp tác.
Champasak là tỉnh vẫn còn nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, phát triển không đồng đều. Vì vậy gây ra những trở ngại cho các dự án hợp tác Bình Dương - Champasak nói riêng và quan hệ Việt Nam - Lào nói chung.
Xu thế cạnh tranh trong thu hút viện trợ, đầu tư, thương mại, du lịch giữa các địa phương của cả hai nước cũng là một thách thức không nhỏ đối với công tác đối ngoại và hợp tác Bình Dương - Champasak nói riêng và quan hệ kinh tế Việt Nam - Lào nói chung. Cùng với nó là sự cạnh tranh từ các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan.
Tất cả những khó khăn, hạn chế đó đòi hỏi cả Bình Dương - Champasak phải có những chính sách phù hợp để tranh thủ tốt nhất những thuận lợi và vượt qua những thách thức để đưa quan hệ giữa hai tỉnh ngày càng phát triển và là cơ sở cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
3.3. Triển vọng phát triển quan hệ Bình Dương - Champasak
Trên cơ sở những thành tựu và hạn chế của quan hệ Bình Dương - Champasak (2006 - Nay) chúng ta có thể đánh giả triển vọng của quan hệ hợp tác Bình Dương - Champasak trong thời gian tiếp theo trên các lĩnh vực là rất khả quan.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp của mối quan hệ Bình Dương - Champasak dựa trên những cơ sở sau:
Một là, những điều kiện nhân tố thuận lợi về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa…đã thúc đẩy quan hệ Bình Dương - Champasak trong thời gian qua, đến nay vẫn tiếp tục là cơ sở vững chắc cho sự phát triển trong hiện tại và tương lai.
Hai là, cả hai Đảng, hai Nhà nước Việt - Lào nói chung và hai tỉnh Bình Dương - Champasak nói riêng đều đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, quan tâm, vun đắp cho quan hệ Bình Dương - Champasak ngày càng phát triển.
Ba là, hai tỉnh Bình Dương - Champasak đang trong quá trình phát triển và mở cửa kinh tế đối ngoại. Vì vậy, một khi các nền tảng của nền kinh tế thị trường đã được xây dựng thì quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Bốn là, tiềm năng trong hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh Bình Dương - Champasak còn rất lớn. Bình Dương và Champasak có tài nguyên tương đối phong phú, đó là những cơ sở để hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Tóm lại, qua 13 năm hợp tác cùng nhau (2006 - Nay), hai tỉnh Bình Dương và Champasak ngày càng gắn bó khắng khít, không chỉ về mặt tình cảm mà trên các lĩnh vực hợp tác đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp góp phần tạo nên thành tựu kinh tế - xã hội của hai địa phương nói riêng và hai nước Việt Nam và Lào nói chung. Quá trình phát triển của quan hệ Bình Dương - Champasak trong giai đoạn này, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức làm cho kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi tỉnh. Nhưng nhìn chung, tất cả đều xuất phát từ sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, chúng ta hoàn toàn tin vào triển vọng quan hệ Bình Dương - Champasak trong tương lai là rất lạc quan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Bá (2002), “Hợp tác đầu tư Việt Nam và Lào - Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (55), trang 44 - 47.
2. Học viện quan hệ quốc tế (2002), Hội thảo khoa học 40 năm quan hệ đặc biệt Việt – Lào - thành tựu và triển vọng, NXB Hà Nội.
3. Quách Lắm (2012), Bình Dương đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Champasak (Lào), TTXVN, ngày 3/12/2012.
4. Khánh Vinh (2016), Bình Dương - Champasak: Thắm đượm tình thân, Báo Bình Dương, số ra ngày 09/09.
5. https://www.binhduong.gov.vn/