Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số
Văn hóa đọc theo nghĩa rộng là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Về nghĩa hẹp, văn hóa đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này gồm thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.
Do đó, muốn phát triển nền văn hóa đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”. Đây là một trong những hoạt động hiện thực hóa đề án “Truyền thống về xây dựng xã hội học tập” theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 13/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về xây dựng xã hội học tập, trong đó có nội dung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, mô hình của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập thông qua nhiệm vụ tuyên truyền trên mạng viễn thông và Internet. Hưởng ứng phong trào này, tỉnh Bình Dương cũng đã phát động “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” tại các trường học, nhà sách… nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện và tìm kiếm thông tin, hình thành thói quen đọc sách, thói quen tham gia và sử dụng thư viện để góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ trì triển khai dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (do quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ), dự án đã cung cấp 12.760 hệ thống máy tính có kết nối Internet cho 1.900 điểm truy nhập công cộng tại 40 tỉnh. Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của vai trò văn hóa đọc sẽ làm thay đổi cuộc sống cộng đồng một cách tích cực, tỉnh Bình Dương trong những năm qua đã triển khai nhiều nội dung, chương trình nhằm phát triển nền văn hóa này như:
- Năm 2010 đến nay, tỉnh Bình Dương đã đầu tư và xây dựng 73 điểm truy cập thông tin khoa học và công nghệ (thuộc các dự án do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện - Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện) và hơn 12 điểm internet dành cho thanh niên (thuộc dự án do Tỉnh đoàn Bình Dương thực hiện), các điểm được đầu tư 02 hệ thống máy tính và các trang thiết bị đảm bảo cho điểm hoạt động tốt. Các điểm này đã mang đến cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ thông tin cho hàng triệu người dân nông thôn, kể cả những đối tượng thiệt thòi, kém may mắn, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng trong xã hội.
- Năm 2010, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ khoa học công nghệ đã thực hiện đề tài “Văn hóa đọc của thanh thiếu niên tại Bình Dương hiện nay”, kết quả đề tài đã đánh giá được thực trạng văn hóa đọc của thanh thiếu niên tỉnh Bình Dương hiện nay như: Nhận thức, thói quen, sở thích, khả năng đọc của thanh thiếu niên và vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội đối với phát triển văn hóa đọc của thanh thiếu niên… Đề tài là cơ sở khoa học cho cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa đọc tại tỉnh Bình Dương để các nhà quản lý, các cơ quan nhà nước, cộng đồng xã hội có giải pháp, định hướng phát triển văn hóa đọc trên địa bàn hợp lý và hiệu quả.
- Với triển vọng phát triển hệ thống thư viện công cộng của tỉnh đi vào chiều sâu, đổi mới phương thức hoạt động, lấy nhiệm vụ cung ứng thông tin phục vụ nhu cầu nâng cao sự hiểu biết của độc giả làm trung tâm cho mọi hoạt động của thư viện. Đảm bảo kinh phí hoạt động, bộ máy nhân sự, chuẩn hóa đội ngũ, cán bộ, tập trung nghiên cứu đề tài, xây dựng dự án, từng bước hoàn thiện mạng lưới thư viện cấp huyện, thị xã, thành phố… Năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3240/QĐ-UBND vào ngày 28/10/2011. Đến tháng 01/2016, qua kết quả tổng kết thực hiện đề án, ngành thư viện đã đưa ra các chỉ tiêu phục vụ và nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, tổ chức các hội thi, cải tiến phương thức luân chuyển tài liệu, duy trì và phát triển sự liên kết hợp tác với các cơ quan, đơn vị tại địa phương, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống thư viện, mở rộng phong trào đọc sách trên toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, tri thức chính là hạt nhân của quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Bởi vậy, phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số là một trong những cách thức mà Việt Nam thực hiện để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực cũng như khoảng cách phát triển giữa các vùng miền (ictnews.vn).
Một số hoạt động của ngành thư viện trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: Tổ chức ngày hội đọc sách năm 2016, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, trưng bày, triển lãm sách, phục vụ sách tại “Ngày hội thiếu nhi khỏe - vững bước tiến lên”, “Sách - Hành trang tri thức”, “Sách - Bạn đồng hành của tuổi thơ…
|
Thùy Trang