Nồng cốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là công nghệ thông tin
Khái niệm Industry 4.0 hay là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào năm 2012.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp này đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí không đáng kể phục vụ người tiêu dùng. Gọi taxi, đặt vé máy bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem phim đều có thể được thực hiện từ xa. Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn các ứng dụng đang làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn và năng suất hơn. Chỉ đơn giản với một thiết bị như một máy tính bảng, chúng ta có thể đọc sách, lướt web và thông tin liên lạc, sở hữu khả năng xử lý tương đương với 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, với chi phí lưu trữ thông tin gần như bằng không.
Với xu hướng về phát triển công nghệ có thể nhận thấy rõ nhất hiện nay là: Xe hơi tự lái đang chiếm ưu thế, công nghệ in 3D tạo ra sản phẩm ở dạng ba chiều từ mẫu kỹ thuật số, các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh, những vật liệu mới đang được đưa ra thị trường, về tổng thể chúng nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng. Những đổi mới trong lĩnh vực sinh học nói chung và di truyền nói riêng thật sự đáng kinh ngạc…
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu, nước ta cũng đang tận dụng mọi cơ hội để không lỡ con tàu “cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, ngày 3/4/2017, Thủ tướng cho rằng nòng cốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là công nghệ thông tin, Thủ tướng giao Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy ưu thế của công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh và đề nghị các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức rõ về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, đề nghị các viện nghiên cứu, trước hết là hai Viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trần Phước (tổng hợp từ internet)