Nông dân đam mê sáng tạo
Đó là bác Nguyễn Văn Long (bác Hai Long), ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương - tác giả “Máy phun thuốc cao áp” dành cho cây cao su. Giải pháp đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Bình Dương lần thứ IV, năm 2009 - 2011.
Vài năm gần đây, bệnh rụng lá do nấm Corynespora xuất hiện trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mủ, gây tâm lý lo ngại trong người trồng cao su. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm phương án khắc phục, một thiết bị phun cao áp đã được tạo ra.
Trước đây, để phun thuốc trừ bệnh cho cây cao su, nông dân sử dụng bình phun xịt dạng bơm tay để tạo áp lực. Đối với loại bình phun này, người sử dụng có thể mang trên người để phun xịt vào các vị trí cần phun. Tuy nhiên, loại bình này có thể tích nhỏ, chỉ khoảng 10 - 15 lít nên năng suất thấp. Hơn nữa, nó chỉ cho phép phun xịt đến chiều cao khoảng 10m nên chỉ có thể áp dụng phun xịt cho vườn cây cao su thấp. Đối với vườn cao su có chiều cao cao hơn, nếu cần phun xịt ở vị trí cao hơn 10m, người phun phải leo lên cây để phun nên có thể gặp nguy hiểm và phun được lượng thuốc rất ít.
Với những trăn trở là làm sao để có thể tự phun thuốc hiệu quả cho vườn cao su bị nhiễm bệnh của mình, ông Nguyễn Văn Long đã chế tạo ra máy phun thuốc phòng trừ bệnh nấm cao su tự động. Tuy nhiên, chiếc máy phun ông chế tạo đầu tiên không được như ý muốn do sào dài dễ bị vướng vào cành cây, béc phun lỗ to thì hao phí thuốc nhiều còn béc phun mịn thì thuốc không phun được xa và dễ rơi xuống đầu khi phun. Sau một thời gian suy nghĩ ông đã cải tạo lại máy phun đạt hiệu quả cao hơn theo ý muốn.
Chiếc máy phun do ông cải tạo lại gồm 01 chiếc quạt cao tốc 12 cánh, đường kính 0,8m đặt trong một ống tròn độ dày 0,15m; đầu ra chiếc quạt gắn với một đoạn ống nhựa loại 114mm dùng làm ống gia tốc rất cơ động khi di chuyển, khoảng giữa ống ông khoét 2 lỗ để nhét ống nhựa dẻo vào trong lòng ống. 2 béc phun được gắn thấp hơn miệng ống 10cm. Ngoài ra, còn có một máy nén 2 ngựa, bồn chứa nước 500 lít và chiếc rơ-moóc máy cày 20 mã lực. Chiếc máy cải tạo loại này ưu việt hơn máy trước vì có đến 2 béc phun nhưng chỉ cần một người vận hành so với loại máy trước của ông thì giảm bớt được 01 nhân công. Máy có thể phun tới độ cao 15m. Với loại máy này, thuốc được phun cao hơn, mịn đều hơn, tầm phun của máy rộng, hiệu suất sử dụng tăng lên nhiều lần.
Để có được một sản phẩm với những ưu điểm vượt trội, đáp ứng yêu cầu, ông đã không ngừng cải tiến, hoàn thiện sản phẩm. Ông Long cho biết: “Trước những lợi ích thiết thực của giải pháp “Máy phun thuốc cao áp” mang lại, loại máy này giảm nhân công trong việc phun thuốc cho vườn cây cao su, đã khống chế được bệnh trên vườn cây nhà ông, và hiện nay các diện tích vườn cây này đã đưa vào khai thác bình thường. Bên cạnh đó, Hệ thống phun thuốc cao áp cũng có thể áp dụng phun thuốc cho các vườn cây ăn trái, cũng như phun thuốc trên đồng ruộng”.
Đối với các giải pháp kỹ thuật của các tác giả là nông dân không phải vì mục đích kinh doanh có trước, mà chủ yếu là do nhu cầu của gia đình, do trăn trở từ thực tế từ đó thôi thúc chính bản thân họ tự mày mò và đúc rút qua nhiều lần làm thử và tự điều chỉnh để làm ra những sản phẩm đem áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh những mặt tích cực của hiện trạng sáng tạo của nhà nông (góp phần tháo gỡ khó khăn về thiết bị, máy móc trong nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, giảm bớt lao động nặng nhọc cho nông dân…) thì hiện trạng này còn nhiều bất cập như: Các máy móc, thiết bị được cải tạo chưa đáp ứng được các chỉ tiêu, thông số về độ bền, nên nhanh hỏng hoặc phải thay thế các bộ phận, phụ tùng, gây lãng phí tiền của cho người sử dụng. Một số máy móc tự tạo chưa đảm bảo an toàn cho người sử dụng cho trình độ của người sáng chế còn thấp, điều kiện sản xuất, công nghệ chế tạo đơn giản thô sơ, lạc hậu nên không đảm bảo an toàn lao động cho người sử dụng.
Trong thời gian tới, nhằm khuyến khích, động viên nông dân trong hoạt động sáng tạo Nhà nước cần hỗ trợ nhà nông trong việc: Tạo ra các sáng kiến, sáng chế; cải tiến, hoàn thiện, các sáng kiến, sáng chế; đưa các sáng chế, sáng kiến ra thị trường để thu lợi được từ thành quả sáng tạo, đồng thời tạo cơ hội cho xã hội được tiếp cận với thành quả đó. Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sáng tạo của nhà nông như đã nêu trên, Nhà nước cần thành lập các tổ chức tư vấn kỹ thuật ở các cấp để tư vấn bổ sung để hạn chế các khiếm khuyết trong quá trình thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị của nhà nông./.
Bảo Trân