Ứng dụng khoa học và công nghệ ở Bình Dương - đòn bẩy để phát triển
Là một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thời gian qua các sản phẩm, hàng hóa ở Bình Dương ngày càng tạo được uy tín không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Có được thành công này là nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp một cách sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Khoa học và công nghệ thay đổi giá trị sản phẩm
Những năm trước đây nền công nghiệp Bình Dương được đánh giá có trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN) trung Bình. Với quyết tâm tăng dần hàm lượng công nghệ cao trong các doanh nghiệp. Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng châu Á - Thái Bình Dương, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm vững những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Âu - Mỹ... Chính những hỗ trợ kịp thời này, đã tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp áp dụng KH&CN vào trong sản xuất như Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Thuốc Thú Y và Thủy Sản Minh Dũng, Công ty TNHH Thiên Dược, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á... Từ đó, giúp các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngang tầm với sản phẩm được sản xuất ở các nước có nền KH&CN tiên tiến.
Là doanh nghiệp sản xuất gốm sứ lâu đời, Công ty TNHH Minh Long I (thị xã Thuận An) luôn không ngừng cải tiến máy móc, thiết bị. Công ty đã đầu tư hàng triệu đô la Mỹ để nhập khẩu các loại máy móc sản xuất hiện đại nhất. Trong đó có dây chuyền tráng men bằng công nghệ nano - một trong những dây chuyền hiện đại nhất trong sản xuất gốm sứ trên thế giới. Hiện tại, sản phẩm mang thương hiệu Minh Long I có trên 15.000 chủng loại, riêng hàng xuất khẩu có hơn 3.000 mẫu mã khác nhau cung ứng cho thị trường trong nước và nước ngoài như Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore... Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc công ty phấn khởi cho biết.
Còn tại công ty TNHH Sản xuất thuốc Thú Y - Thủy sản Minh Dũng việc áp dụng KH&CN vào sản xuất cũng là tiêu chí quan trọng trong phát triển công ty. Đây là đơn vị nhiều năm đạt giải thưởng chất lượng quốc gia bởi không chỉ có nhiều sản phẩm chất lượng mà công nghệ sản xuất cũng sánh ngang với các doanh nghiệp ở những nước tiên tiến.
Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi mới của Bình Dương
Không chỉ lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bình Dương còn triển khai áp dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Do diện tích đất nông nghiệp ít nhưng Bình Dương đã chủ động xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao. Đó là xây dựng các mô hình trồng trọt chăn nuôi hiện đại như trồng cây trong nhà lưới, hệ thống tưới cải tiến (tự động, nhỏ giọt, phun sương)... và sử dụng những giống mới, canh tác theo quy trình VietGAP, Global GAP... Với định hướng này, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 ha đất nông nghiệp ứng dụng KH&CN mới vào các loại cây trồng. Điều này đã tạo được một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, với định hướng xây dựng một nền nông nghiệp kỹ thuật cao, Sở đã chủ động triển khai nhiều chương trình, dự án giúp các huyện thị ứng dụng KH&CN trong canh tác như: Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan; Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng mô hình trồng rau trên giá thể; mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà... Từ việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh, bảo đảm các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, qua đó cũng giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống
Mô hình khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo) đã trở thành khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu của tỉnh. Khu công nghiệp này đã trồng 340ha cây ăn quả, 10ha cây cảnh, 10ha rau an toàn và 20ha các loại cây trồng khác. Nhiều loại cây ăn quả được trồng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, Hàn Quốc. Hầu hết sản phẩm của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đã có mặt trong hệ thống siêu thị lớn như Metro, Big C... tại Việt Nam; ngoài ra còn được giới thiệu đến thị trường nước ngoài ở khu vực Đông Bắc Á…
Để giúp mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương cũng phối hợp với Hội Nông dân, Sở giúp đỡ các doanh nghiệp về mặt áp dụng KH&CN. Các trang trại có diện tích lớn và hiệu quả kinh tế cao như vườn cam của ông Lâm Thành Thanh (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) có quy mô hơn 18ha, trang trại bưởi da xanh Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) diện tích hơn 14ha...đều được chứng nhận ViệtGAP. Từ đó, các nông sản của các trang trại này đều có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Có thể nói, những hoạt động chuyển giao, áp dụng tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất trên các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh đã tạo được những dấu ấn khi ngày càng có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính việc này đã tác động và thay đổi nhận thức và hành động của các doanh nghiệp. Hy vọng rằng trong thời gian tới việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Bình Dương ngày càng mạnh mẽ hơn.
Minh Thành