Nông nghiệp hữu cơ trong xu thế hội nhập
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.
Trước đây, nông nghiệp hữu cơ được sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa chất cũng như các loại phân hóa học. Sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Đến cuối năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041:2017 về nông nghiệp hữu cơ, gồm có 4 phần: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt hữu cơ; chăn nuôi hữu cơ; yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Đây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên của nước ta dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Các tiêu chuẩn được ban hành góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Vào tháng 8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ quy định nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải đảm bảo về quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn; không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh; không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ; đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng và sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ đang có nhiều điều kiện để phát triển, ngoài thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đón nhận, từ những sản phẩm sữa, sản phẩm làm từ dừa, gấc, các sản phẩm chăn nuôi đến các sản phẩm rau, củ, quả… các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ này không chỉ phục vụ cho người giàu mà phục vụ cho toàn dân. Đây là cơ hội cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể phát triển theo phong trào, mà đòi hỏi phải hình thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất gắn với thị trường, điều tiết được cung - cầu mới có thể khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” như hiện nay.
Trước tiên, cần thay đổi thói quen sản xuất theo cách truyển thống của người nông dân, giúp nông dân tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận thị trường, sản xuất nông nghiệp theo quy trình kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ghi chép, lưu giữ hồ sơ thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ để thực hiện truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm, người sản xuất giữ được uy tín, giá trị sản phẩm được tăng lên.
Nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao sức khỏe của con người bởi nông phẩm hữu cơ được sản xuất không sử dụng các chất hoá học vô cơ độc hại gây nguy cơ bệnh tật và ảnh hưởng đến sự phát triển của con người, nhất là các loại thuốc phòng trừ dịch hại hoá học, kháng sinh và cách chất kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, không chỉ có lợi đối với người tiêu dùng, nông nghiệp hữu cơ còn giúp đảm bảo sức khoẻ trực tiếp cho chính người sản xuất/nông dân.
Trần Phước