Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nhiệm vụ đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020
Với mục tiêu, đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm huy động nguồn lực đáp ứung nhu cầu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó tập trung thu hút mạnh nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài, chú trọng nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.
Xây dựng hệ thống quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh và điều chỉnh mục tiêu thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, dự án nông nghiệp đô thị; tập trung thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh với mô hình liên kết 3 nhà.
Để phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trong nước với đăng ký mới đạt 23.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 11.000 tỷ đồng, tỉnh Bình Dương đã chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực trong trọng tâm, trong đó có phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, duy trì và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập; tiếp tục quy hoạch mới để tạo quỹ đất cho thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở giai đoạn tiếp theo. Hình thành các khu, dự án lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển sản xuất ở các huyện phía Bắc.
Thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, nước sạch nông thôn, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các lĩnh vực theo danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn theo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Chủ động mở rộng hợp tác với các viện, trường đại học, trung tâm công nghệ cao trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương cũng đã có những giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự hợp tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong đẩy mạnh thu hút đầu tư; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư; tập trung đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư và phát triển mô hình 3 nhà: nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Hiện Bình Dương có một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I đầu tư với quy mô 411,75ha, đã triển khai thực hiện trên 387ha (đạt 94,05%); Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) do Công ty TNHH TM SX Tiến Hùng làm chủ đầu tư, quy mô 78,5ha, đã triển khai thực hiện trên 30,3ha (đạt 38,7%); Trại gà công nghệ cao Ba Huân (xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên) đầu tư với diện tích 17,6ha. Hiện đã thực hiện 100% diện tích
|
Nhất Lan