Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chính sách hỗ trợ là “tiên quyết”
Thực hiện mục tiêu đưa nền nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương còn ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc, nhiều nông dân chưa được tiếp cận với các chính sách.
“Hóa giải” hóa đơn, chứng từ
Một trong những quy định của các chính sách hỗ trợ là người dân phải có các hóa đơn, chứng từ… trong việc đầu tư cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, đầu tư giống, vật tư… làm cơ sở để giải ngân nguồn vốn cho vay. Vấn đề khó khăn cho người dân ở đây là không phải khâu nào trong công tác chuẩn bị sản xuất đều có hóa đơn, chứng từ nhất là các khâu thuê mướn cày, làm đất…
Mô hình trồng nấm bào ngư tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng
Bà Nguyễn Thị Kim Mai (phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một) cũng cho rằng, việc cung cấp hóa đơn, chứng từ hiện nay rất khó, như tôi mua giống hoa lan của hộ khác để trồng thì làm sao có hóa đơn, vì người bán giống cũng là nông dân đâu phải cơ sở cung cấp giống. Mà nếu thiếu hóa đơn này thì khi hoàn tất các thủ tục vay vốn, xét duyệt Phương án đầu tư rất khó, trong khi đó người dân đã tiến hành sản xuất.
Bên cạnh đó, các bà con nông dân cũng kiến nghị nên giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng cho việc đầu tư sản xuất NNCNC. Ông Nguyễn Hữu Vận (xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) cho rằng, trong khi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư máy móc thiết bị được hưởng chính sách hoàn thuế GTGT, còn các hộ đầu tư sản xuất NNCNC vẫn chưa được hưởng chính sách hoàn thuế GTGT khi đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất.
Ông Phan Văn Chiến, Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh cho biết, đối với vấn đề hóa đơn, chứng từ khi tiến hành các khâu chuẩn bị sản xuất, mua giống… thì các hộ chỉ cần bảng kê chi phí hoặc hợp đồng mua bán giữa hai bên và đem ra chính quyền địa phương xác nhận để hoàn tất các thủ tục cần thiết trong việc vay vốn sản xuất.
Tháo gỡ “vòng kim cô” tín dụng
Trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình mới trong liên kết sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu như mô hình liên kết 04 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) nhằm nâng cao quy mô và chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là NNCNC. Một trong những yếu tố để mô hình liên kết này hoạt động có hiệu quả thì tín dụng là một yếu tố tác động quan trọng.
Tuy nhiên, hiện nay giá trị tài sản để thế chấp, cụ thể là đất nông nghiệp để cầm cố vay vốn ngân hàng hay các Quỹ tín dụng… chưa đủ “chi phí” để nông dân triển khai sản xuất. Ông Nguyễn Văn Cường (xã An Bình, huyện Phú Giáo) cho rằng, hiện nay để đầu tư cho NNCNC, nông dân cần vốn khá lớn, tuy nhiên việc thẩm định tài sản để thế chấp vay vốn còn thấp do giá trị đất nông nghiệp không cao. Các hộ có diện tích đất lớn thì không sao nhưng đối với các hộ có diện tích đất ít thì rất khó khăn.
“Theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 12/02/2016 của ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 thì lãi suất cho vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh thực tế cũng gần bằng với lãi suất của một số ngân hàng thương mại khác. Cái khó ở đây để được vay từ Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh là phải trình bày được tính khả thi của Phương án, do sản xuất nông nghiệp còn phải phụ thuộc vào thời tiết, thị trường tiêu thụ… mà yếu tố này người nông dân không thể quyết định được”, ông Nguyễn Hữu Vận nói.
“Về vấn đề định giá, thẩm định giá trị đất khi cho vay đều theo quy định của UBND tỉnh tại từng thời điểm, tuy nhiên để tăng định mức cho vay, các hộ có thể kê khai thêm các tài sản có giá trị khác gắn liền với đất. Để tạo điều kiện cho việc triển khai sản xuất, Quỹ cũng chi tạm ứng ban đầu khi các hộ cung cấp đầy đủ các chứng từ, hóa đơn liên quan”, ông Phan Văn Chiến cho biết.
Chính vì vậy, một mặt các cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi thì cần triển khai nhiều nguồn vốn tín dụng khác nhau để người dân có điều kiện đầu tư sản xuất NNCNC từ đó tạo bước đột phá trong chuyển đổi mô hình, gắn sản xuất lớn với công nghệ cao, tăng năng suất và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành các chính sách hỗ trợ như Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 08/04/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 về Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020…
Hải Sư