Phương pháp đánh giá chất lượng sử dụng chỉ số WQI
Chỉ số chất lượng nước (WQI - Water Quality Index) là một chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc chất lượng nước, dùng để mô tả định lượng về chất lượng nước và khả năng sử dụng của nguồn nước đó; được biểu diễn qua một thang điểm. WQI được tính toán riêng cho số liệu của từng điểm quan trắc; WQI thông số được tính toán cho từng thông số quan trắc; mỗi thông số sẽ xác định được một giá trị WQI cụ thể, từ đó tính toán WQI để đánh giá chất lượng nước của điểm quan trắc; thang đo giá trị WQI được chia thành các khoảng nhất định. Mỗi khoảng ứng với 1 mức đánh giá chất lượng nước nhất định.
WQI được đề xuất và áp dụng đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1965 ÷ 1970. Sau đó, do có nhiều ưu điểm nên WQI nhanh chóng được chấp nhận và triển khai áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Canada, Achentina, Anh, Mexico, Ấn Độ, Thái Lan, Zimbabue… Ở Việt Nam, WQI được các nhà nghiên cứu triển khai áp dụng vào những năm 1990. Vào tháng 7/2011, Tổng Cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định số 879/QĐ-TCMT về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán WQI từ số liệu quan trắc chất lượng nước quốc gia và sử dụng số liệu WQI để đánh giá nhanh chất lượng nước mặt lục địa một cách tổng quát thì WQI mới chính thức trở thành công cụ phục vụ công tác quản lý chất lượng nước và kiểm soát ô nhiễm nước.
WQI do Tổng cục Môi trường ban hành là loại chỉ số chất lượng nước tổng quát, tức là mô tả chất lượng nước cho đa mục đích sử dụng. Việc áp dụng chỉ số chất lượng nước tổng quát cho phép các nhà quản lý theo dõi và dự báo diễn biến chất lượng nước trên toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào nguồn nước cũng sử dụng cho đa mục đích mà có thể chỉ sử dụng cho một hoặc một số mục đích cụ thể nào đó mà thôi. Trong trường hợp đó, việc phát triển mô hình WQI cho từng mục đích sử dụng nước cụ thể là cần thiết.
Hơn nữa, do khác nhau về đặc điểm khí hậu, thủy văn; đặc trưng phát triển kinh tế - xã hội … mà các yếu tố tác động đến chất lượng nước cũng khác nhau ở các vùng miền: chẳng hạn, sự lũ lụt, nhiễm mặn ở Miền Trung; nước thải công nghiệp, nước thải đô thị ở Miền Nam… là những vấn đề chính tác động đến chất lượng của các nguồn nước. Rõ ràng, những sự khác biệt đó phải được tính đến khi lựa chọn các thông số chất lượng nước vào mô hình tính WQI để tạo ra một mô hình WQI mô tả chính xác hơn chất lượng nước của từng vùng, địa phương, từng mục đích sử dụng cụ thể. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Ấn Độ… cho thấy: bên cạnh phát triển WQI quốc gia, các nước này còn chú trọng phát triển WQI cho những vùng miền, địa phương, thậm chí là cho từng con sông.
Ở Bình Dương, việc quan trắc chất lượng nước được Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu về chất lượng nước cũng được triển khai thực hiện và gần đây nhất là nghiên cứu chất lượng nước cho sông Thị Tính và cho sông Sài Gòn đoạn chảy qua Thủ Dầu Một. Tác giả Thủy Châu Tờ đã thực hiện nghiên cứu thiết lập và áp dụng chỉ số nước cho sông thị tính phục vụ quản lý nguồn nước. Kết quả cho thấy, các thông số pH, BOD5, N-NO3- trong các tháng (6/2014 ÷ 5/2015) trên các mặt cắt (STT1 ÷ STT6) hầu hết đều đạt loại A2 theo QCVN 08:2008. Một số vấn đề đáng quan tâm đối với chất lượng nước sông Thị Tính bao gồm: oxy hòa tan (DO) thấp, ô nhiễm chất dinh dưỡng (photphat, nitrit và amoni), ô nhiễm tổng coliform, độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao trong các tháng mùa mưa và nồng độ sắt cao. (Tờ, 2015).
Tác giả Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyễn Thị Liên đã thực hiện đánh giá hiện trạng chất lượng nước và đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm sông Sài Gòn đoạn chảy qua thành phố Thủ Dầu Một cho biết, kết quả tính toán WQI đối với nước mặt lưu vực sông Sài Gòn đoạn chảy qua Thủ Dầu Một trong 3 đợt quan trắc cho thấy chỉ số WQI giao động từ 17 đến 87. Do ảnh hưởng của thông số Coliform nên chất lượng nước ở tại cầu Suối Giữa, phường Tương Bình Hiệp, tại ngã 3 sông Sài Gòn - Thị Tính, phường Hiệp An và tại cảng Bà Lụa, phường Phú Thọ đều bị ô nhiễm Coliform nặng cần có các biện pháp xử lý trong tương lai.
Hai vị trí tại ấp 2, phường Tương Bình Hiệp và tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, gần cần Phú Cường và nhà máy cấp nước Thủ Dầu Một có chất lượng nước tương đối tốt qua 3 đợt quan trắc, nước tại 2 vị trí này sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp. So sánh với các năm trước cho thấy chất lượng nước sông Sài Gòn nói chung đang có dấu hiệu suy giảm và bắt đầu ô nhiễm nhẹ, vì vậy cần có các biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm kịp thời. Từ quá trình khảo sát và nghiên cứu cho thấy rằng việc kiểm soát sự ô nhiễm sông Sài Gòn nói chung và Sông Sài Gòn đoạn chảy qua Thủ Dầu Một nói riêng là hết sức quan trọng. Cần có các biện pháp quản lý hành chính nhằm nâng cao nhận thức của người dân, biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý kỹ thuật - công nghệ nhằm xây dựng đánh giá các thành phần gây tác động đến môi trường, khuyến khích sự ủng hộ và hợp tác của doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường sông Sài Gòn. (Nguyễn Thanh Tuyền, 2018).
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thanh Tuyền, N. T. (2018). Đánh giá hiện trạng chất lượng nước và đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm sông Sài Gòn đoạn chảy qua thành phố Thủ Dầu Một. Tạp chí Thủ Dầu Một, 32-39.
2. Tờ, T. C. (2015). Nghiên cứu thiết lập và áp dụng chỉ số chất lượng nước cho sông thị tính phục vụ quản lý nguồn nước. Bình Dương: Trung tâm TTTK KHCN.
Mỹ Linh