Quy định quản lý Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước
Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 (gọi tắt là đề án 2395). Đề án được thực hiện nhằm góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý, nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại của đội ngũ nhân lực KH&CN, hình thành lực lượng chuyên gia KH&CN trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đề án sẽ đào tạo, bồi dưỡng khoảng 150 chuyên gia (giai đoạn 2016 - 2020) và khoảng 200 chuyên gia (giai đoạn 2021 - 2025) ở nước ngoài nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia KH&CN có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng nghiên cứu và triển khai những vấn đề KH&CN của ngành, lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới; tạo nguồn để phát triển thành nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
Đến ngày 30/6/2016, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 13/2016/TT-BKHCN quy định quản lý Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Theo đó, để quản lý Đề án 2395 có hiệu quả, Bộ KH&CN quy định cụ thể hình thức, mục tiêu, thời gian, lĩnh vực, nội dung, cơ sở và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia, nhóm nghiên cứu và sau tiến sỹ cho các lĩnh vực KH&CN, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghệ ưu tiên, công nghệ mới, công nghệ cao được xác định trong chiến lược và kế hoạch phát triển KH&CN trong từng thời kỳ. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng quản lý KH&CN, quản lý đổi mới sáng tạo cho cán bộ quản lý KH&CN.
Quy định điều kiện, tiêu chí, quy trình tuyển chọn cá nhân đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia, nhóm nghiên cứu và sau tiến sỹ; bồi dưỡng nhân lực quản lý KH&CN: điều kiện để cử đi bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng trong nước và nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người được cử đi đào tạo bồi dưỡng.
Nội dung quản lý Đề án 2395: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm và từng giai đoạn phù hợp với Mục tiêu của Đề án 2395; tổ chức thông báo, tuyển chọn, thực hiện việc đưa cá nhân đi đào tạo, bồi dưỡng; theo dõi, kiểm tra, đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng của người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; thương thảo và ký kết hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực KH&CN tham gia Đề án 2395; tổ chức thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Đề án 2395 thông qua các hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết, phổ biến kết quả của Đề án 2395 và các hình thức khác; xử lý rủi ro trong quá trình triển khai và các nội dung khác phục vụ việc quản lý Đề án 2395.
Ánh Nguyệt