Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Hướng đi cần thiết cho một ngành nông nghiệp sạch và an toàn
Trong thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (organic) (NNHC) đang là xu hướng sản xuất nông nghiệp mới. Bên cạnh, việc duy trì sức khỏe của hệ sinh thái, sản xuất ra các sản phẩm sạch thì NNHC còn đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu và đổi mới nền nông nghiệp trong quá trình hội nhập.
Mô hình nông nghiệp sạch
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cả nước hiện có 33 tỉnh, thành triển khai mô hình sản xuất NNHC, một mô hình không chỉ có lợi với người tiêu dùng mà còn đảm bảo sức khỏe trực tiếp cho nông dân sản xuất, nhờ không sử dụng và loại trừ vật tư đầu vào hóa chất, không dùng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc diệt cỏ hóa học, nông nghiệp biến đổi gene…
Riêng tỉnh Bình Dương, tính đến nay có 90 trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP, có 52 cơ cở với 26 nhóm sản phẩm được cấp giấy xác nhận sản xuất sản phẩm an toàn. Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt 2.754,4 hecta, trong đó có nhiều trang trại áp dụng đồng thời các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, Organic. Tại nông trại Vinamit Organic Farm (huyện Phú Giáo), có diện tích lên đến hơn 150 ha, với hơn 54 giống cây trồng, đã đạt được chứng nhận Canh tác hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mĩ) và Organic hữu cơ EU (Liên minh châu Âu) vào ngày 06/12/2016. Đây là thành quả của 3 năm thực hiện nghiêm ngặt các quy trình canh tác hữu cơ và cải tạo đất, nước, không khí, môi trường, hệ sinh vật cân bằng theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay, các trang trại trên địa bàn tỉnh đang ngày càng chú trọng nhiều hơn đến sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nông sản. Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất cũng là lựa chọn thay thế hàng đầu cho phân hóa học khi cho hiệu quả cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi, phân bón hữu cơ vi sinh chứa nhiều vi sinh vật có lợi cho cây trồng, giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, không làm bạc màu đất. Ngoài ra, phân bón hữu cơ vi sinh còn cung cấp gần như đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch của cây trồng, giúp năng suất tăng thêm 20% so với khi sử dụng phân bón vô cơ.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho biết, Các giống cây trồng và nguồn cây giống trong trang trại Vinamit Organic Farm được chúng tôi nghiên cứu lựa chọn loại giống có sẵn khả năng kháng bệnh tự nhiên tốt, hệ miễn dịch mạnh, phù hợp và thích nghi với điều kiện tự nhiên nuôi trồng, kháng thể cao với sâu bệnh và sức phát triển tốt. Chúng tôi không sử dụng các giống cây đã bị biến đổi gen hay không có nguồn gốc hữu cơ vào nuôi trồng và sản xuất.
Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong trồng trọt các loại cây có múi và áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, ông Đoàn Minh Chiến (chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, huyện Bắc Tân Uyên) cũng đã áp dụng sản xuất NNHC. Ông Chiến chia sẻ, thực hiện việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, trang trại Đoàn Minh Chiến cũng mạnh dạn áp dụng các quy chuẩn sản xuất NNHC vào cam, bưởi. So với các quy chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch khác thì sản xuất NNHC đòi hỏi phương pháp canh tác kỹ hơn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn và trang trại cũng đang từng bước áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất NNHC vào các sản phẩm chủ lực của trang trại.
Cần nhân rộng
Ông Viên nhận định, sản phẩm nông nghiệp tự nhiên hiện nay là nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng để đảm bảo sức khỏe. NNHC sẽ là con đường phát triển thật sự của ngành nông nghiệp. Do đó việc nhân rộng các mô hình sản xuất NNHC là hết sức cần thiết, bởi lẽ đây là điều kiện đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nông sản trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương và xuất khẩu nông sản.
Ngoài liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, NNHC còn làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp gấp 2-10 lần. Thế nhưng, để làm được NNHC đòi hỏi người làm phải có kiến thức, có đủ vốn và tính kiên trì. Thời gian chuyển đổi từ phương thức canh tác thông thường sang phương thức sản xuất hữu cơ trung bình mất từ 2-3 năm. Trong khoảng thời gian đó, không được sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, nên năng suất trong 3-5 năm có thể giảm tới 50%. Sau khoảng thời gian đó, năng suất mới có thể phục hồi.
Đại diện Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) cũng cho biết, trong thời gian đầu áp dụng sản xuất NNHC thì hộ nông dân áp dụng sẽ phải bỏ ra khoản chi phí đầu tư khá lớn trong khoảng thời gian này. Do đó, Hợp tác xã mới chỉ triển khai thí điểm áp dụng với diện tích nhỏ, để rút kinh nghiệm và từng bước triển khai đại trà trong các thành viên Hợp tác xã. Bên cạnh nguồn vốn, thời gian triển khai dài thì việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ cũng còn gây nhiều khó khăn cho các trang trại, hộ nông dân.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để tạo hành lang pháp lý quan trọng để giúp việc sản xuất, thương mại sản phẩm hữu cơ trở nên minh bạch hơn, bảo vệ quyền lợi của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Thì Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành và công bố bộ Tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ quốc gia TCVN 11041:2017. Bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế sẽ giúp sản phẩm NNHC Việt Nam vừa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế trong việc xuất khẩu nông sản.
“Hiện nay, quan trọng nhất là sản xuất theo công nghệ 4.0. Do đó, phải định hướng cho nông dân lên sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới rất cần những sản phẩm sạch”, ông Chiến nhận định.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện để phát triển NNHC, các chính sách hỗ trợ cũng được ban hành. Như Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định những chính sách được ban hành ưu tiên cho phát triển NNHC trong đó ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, nhất là về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC… Riêng tỉnh Bình Dương với Quyết định 157/QĐ-UBND thì NNHC cũng được đẩy mạnh với các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách phát triển sản phẩm chủ lực; chính sách đối với phát triển nông nghiệp an toàn… cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại…
Sản xuất NNHC là phương pháp sản xuất đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Sản xuất hữu cơ hướng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Do đó, nông dân canh tác theo hình thức NNHC chủ yếu dựa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, hạn chế sâu bệnh. |
Hoàng Nhân