Sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ là gì?
Nền nông nghiệp truyền thống vốn dĩ là nền nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản). Trải qua chiều dài lịch sử phát triển, dân số ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người thấp, kỹ thuật sản xuất lạc hậu, nên nền nông nghiệp hữu cơ cho năng xuất thấp không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người. Thừa hưởng những thành tựa khoa học của thế giới và trong nước về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất sử dụng hóa chất trong cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng, vật nuôi sử dụng máy móc và tưới tiêu nước bằng các công trình bằng thủy nông, nền nông nghiệp nước ta về cơ bản đã trở thành một nền nông nghiệp hóa học hóa và cơ giới hóa một số khâu sản xuất, đã thay thế nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống. (http://iasvn.org)
Như vậy, nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh có nguồn gốc từ thế kỷ XX ra đời trong sự thay đổi nhanh chóng các hệ thống canh tác trên thế giới. Nông nghiệp hữu cơ liên tục được phát triển bởi tổ chức Nông nghiệp hữu cơ khác nhau cho đến ngày hôm nay. Canh tác này chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì cho đất bằng nhóm cây trồng có tac dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại. (vi.wikipedia.org).
Theo tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM) thì “Nông nghiệp hữu cơ” là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.
Với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học, sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm: Hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc.
Nguyên tắc cơ bản
Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.
Các nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, và kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác.
Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người. (http://vietnamorganic.vn)
Thuận lợi
Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Việc phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Với Việt Nam, để chuyển thành công nền sản xuất tự cung tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa, định hướng xuất khẩu thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng cấp thiết.
Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng trong nước về an toàn thực phẩm ngày càng cao. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Khó khăn
Trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta với khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều sâu bệnh phát triển và gây hại.
Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ.
Do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm cao. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (vết sâu ăn, đốm bệnh…) cũng ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm trên thị trường.
Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ. Về tổng thể, chưa có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Nhìn chung canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao,… Ngoài ra còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…
Ánh Nguyệt