Sau 02 năm công bố nhãn hiệu tập thể măng cụt lái thiêu: Tiếp tục khẳng định chất lượng măng cụt
Nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu được công bố vào ngày 19/6/2014, đây chính là kết quả trong 03 năm (2010 - 2013) thực hiện đúng các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường, an toàn thực phẩm... theo quy trình, tiêu chuẩn thực hiện nông nghiệp tốt (GAP) tại các vườn măng cụt chất lượng cao tại các phường Hưng Định, An Thạnh, Bình Nhâm và xã An Sơn. Sau hơn 02 năm khi có nhãn hiệu các nhà vườn đã dần dần có ý thức cần phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ kinh tế tập thể để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể "Măng cụt Lái Thiêu" được thị xã Thuận An thực hiện từ năm 2010 tại các vườn măng cụt chất lượng cao tại các phường Hưng Định, An Thạnh, Bình Nhâm và xã An Sơn với mô hình Nhà quản lý - Nhà vườn - Nhà khai thác theo quy trình, tiêu chuẩn thực hiện nông nghiệp tốt (GAP).
Vào tháng 8/2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu với thời gian sở hữu thương hiệu 10 năm (kể từ ngày cấp). Hội Nông dân thị xã Thuận An là đơn vị có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu và chỉ những loại măng cụt đạt yêu cầu chất lượng, được trồng và thu hoạch tại thị xã Thuận An mới được phép sử dụng nhãn này để dán lên sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện chính xác măng cụt Lái Thiêu. Trước đó, vào tháng 8/2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ bình chọn Măng cụt Lái Thiêu vào Top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.
|
Đánh giá về vấn đề này, phòng Kinh tế thị xã Thuận An cho biết, những năm trước đây, măng cụt Lái Thiêu bị cạnh tranh gay gắt về giá do măng cụt từ các địa phương khác về. Nay với việc công bố nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu”, đây là cơ hội làm ăn mới cho nông dân các xã, phường ven sông Sài Gòn, giúp đánh thức tiềm năng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm măng cụt so với các địa phương khác.
Theo thống kê, hiện nay thị xã Thuận An có khoảng 1.238 ha cây ăn trái gồm măng cụt, dâu, chuối, cam quýt...., trong đó diện tích măng cụt hơn 600 ha. Với việc sở hữu nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm măng cụt, bảo tồn măng cụt có chất lượng đặc trưng riêng của địa phương. Đồng thời đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo quyền và lợi chính đáng của các hộ sản xuất, kinh doanh măng cụt trên địa bàn.
Hội Nông dân thị xã Thuận An cũng cho rằng, “việc sở hữu nhãn hiệu “Măng cụt Lái Thiêu” chỉ là thành công bước đầu, khó nhất là bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sau này. Bởi đây là nhãn hiệu tập thể dùng chung cho tất cả nông dân có sự ràng buộc, gắn kết trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng nhãn hiệu, gây hậu quả xấu. Cùng với nhiệm vụ triển khai sử dụng và quản lý nhãn hiệu, Hội nông dân sẽ tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân; kết nối với doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt chú ý đến chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tạo ra giá trị cao nhất cho nông dân. Phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm măng cụt ra thị trường”.
Hoàng Ân