Startup biến nguy thành cơ trong mùa dịch
Dịch bệnh covid 19 cũng là một tai nạn bất ngờ như vậy. Nó khiến chúng ta gặp khó khăn trong một thời gian, tốn kém trong một thời gian. Tuy nhiên, sau khi dịch qua đi thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Như vậy, có một tư duy đúng là phải chấp nhận thực tế thay vì than vãn sẽ giúp chúng ta có được những năng lượng tích cực để đối phó với đại dịch nguy hiểm này.
Thực tế cho thấy, trong những tháng vừa qua dịch Covid-19 xảy ra đã và đang gây áp lực lớn cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Các Startup cũng chịu khó khăn chung với rất nhiều doanh nghiệp khác ở mọi quy mô khi cả nước tập trung lo cho sức khỏe hơn là vấn đề kinh tế khi dịch bệnh bùng phát ngày càng nghiêm trọng. Đây là thời điểm các startup phải đưa ra những quyết định khó khăn như điều chỉnh ngân sách, thu hẹp quy mô, điều chỉnh dự báo doanh thu, hoãn kế hoạch ra mắt sản phẩm, việc gây quỹ cũng chậm lại, tập trung hơn vào quản lý khủng hoảng và các chính sách về khủng hoảng vào thời điểm này.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Thị trường tiêu thụ bị co hẹp, xu hướng tiêu dùng đột ngột chuyển hướng. Do đó, startup cần phải phát triển các sản phẩm của mình theo xu hướng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, có thể biến nguy thành cơ hội phát triển cho mình để tồn tại và phát triển.
“Cũng có khoảng thời gian mà thị trường khởi nghiệp có bong bóng. Nhà đầu tư đổ xô vào nhiều thì cũng không có nhiều thời gian đánh giá start-up cẩn trọng. Đây là thời gian nhà đầu tư chậm lại, nhìn lại sức chiến đấu từng start-up, tạm dừng khoản rót vốn lớn giai đoạn này nhưng sẵn sàng cho vòng sau. Còn start-up, giai đoạn này cần khâu vá lại những điểm yếu đang có”, bà Trương Lý Hoàng Phi, nhà sáng lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp chia sẻ.
Theo thông tin từ haiquanonline, Starup thương hiệu ShoeX từng gây bất ngờ cho mọi người khi ra mắt dòng sản phẩm mới - giày thể thao làm từ bã cà phê vào năm 2019. Và mới đây, ShoeX tiếp tục mang đến một bất ngờ đầy thú vị khác khi giới thiệu ra thị trường sản phẩm AirX - Khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới, được làm hoàn toàn từ cà phê Việt Nam. Khẩu trang AirX sử dụng công nghệ kháng khuẩn kép 99,99% với 2 lớp bảo vệ. Điểm khác biệt của chiếc khẩu trang này chính là mùi hương cà phê tự nhiên tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cho người sử dụng. Hiện sản phẩm đang được bán, thông qua hình thức online tại website của Shoex.net. Ngoài ra, Công ty cũng liên kết đưa sản phẩm bán trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee và qua kênh đại lý.
Startup Canavi khởi động Chiến dịch 10.000 việc làm chống thất nghiệp mùa dịch Covid-19 nhằm kết nối đến các công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong giai đoạn thị trường khó khăn. Chiến dịch này xuất phát từ ý tưởng của nhà đồng sáng lập Canavi Nguyễn Hoàng Hải và đồng sáng lập Yola Ngô Thùy Ngọc Tú - hai thành viên trong danh sách 30 Under 30 Forbes Việt Nam. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 8/4 đến ngày 30/4 do Canavi phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội, Hội sinh viên thành phố Hà Nội, Hội Liên hiệp thành niên thành phố Hà Nội triển khai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hằng giờ, người trẻ thường là đối tượng dễ đối mặt với hoàn cảnh bấp bênh khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hoặc mất việc làm, đặc biệt là sinh viên không thể đi làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và việc học.
Trong khi đó, thông tin từ Văn phòng "Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện tại có gần 100 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp giải pháp chống dịch Covid-19. Có thể nhắc đến, Kompa - startup công nghệ ứng dụng dữ liệu lớn và AI - đã tạo ra một website giúp theo dõi diễn biến của đại dịch này nhằm giúp người dùng tránh các tin tức giả mạo về Covid-19 gây hoang mang (corona.kompa.ai). Nhóm phát triển trang web gồm 5 người với một số kỹ sư đang làm việc tại Mỹ, số còn lại là ở Việt Nam. Dữ liệu trên website được cập nhật liên tục theo WHO, Bộ Y tế Việt Nam cùng nguồn dữ liệu từ các bên chính thống như CDC, ECDC… nên có độ uy tín cao.
Startup OhmniLabs đã sản xuất những tấm che mặt bằng công nghệ in 3D để gửi tặng cho các bệnh viện trước tình trạng thiếu hụt nhựa PPE. Công ty cũng đưa robot đến nhiều bệnh viện trên thế giới nhằm vừa chăm sóc người bệnh nằm tại viện, vừa giúp bác sĩ và người thân có thể thăm khám bệnh nhân từ xa.
Ứng dụng kiểm tra lây nhiễm Covid-19 (mapping) của startup Got It. Got It- startup do Tiến sĩ Hùng Trần sáng lập giới thiệu phiên bản thử nghiệm của COVID-19 Check, dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm theo phân loại từ F0 tới F5. COVID 19 Check hoạt động bằng cách xây dựng một mạng lưới (network) các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong vòng 14 ngày (thời gian ủ bệnh phổ biến) thông qua hình thức crowdsourcing với nguồn dữ liệu từ chính các cá nhân…
Và còn rất nhiều hành động thiết thực của nhiều Startup Việt thực hiện để biến nguy thành cơ trong dịch bệnh covid-19 và các startup Việt đã làm được.
Ngọc Trang