Tài sản trí tuệ và lợi thế cạnh tranh
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp hầu hết đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khóc liệt trên thị trường kinh doanh trong nước và cả quốc tế. Chiếm được lợi thế trong kinh doanh cũng như tạo ra giá trị riêng cho doanh nghiệp là điều mà hầu hết các lãnh đạo phải bỏ tâm huyết để gầy dựng. Trong đó Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được xem là một lợi thế trong chiến lược cạnh tranh, quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ viễn thông với tốc độ phát triển như vũ bão đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới gia tăng lợi thế cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu cầu khách hàng. Tài sản trí tuệ là loại tài sản càng sử dụng nhiều càng hiệu quả, càng mang lại lợi nhuận nhiều và đang tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng giá trị tài sản của nhiều doanh nghiệp.
Tài sản trí tuệ là kết quả của quá trình tư duy sáng tạo trong bộ não con người được biểu hiện dưới nhiều hình thức sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nguồn nhân lực, chiến lược - kế hoạch kinh doanh, bí mật thương mại, mô hình hữu ích, bản quyền tác giả, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý … Tài sản trí tuệ là một loại tài sản thuộc nhóm tài sản vô hình. Hầu hết trong nhiều trường hợp có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình. Tài sản trí tuệ muốn có được phải đầu tư tốn kém, nhưng đồng thời cũng là loại tài sản vô cùng quan trọng nhất, quyết định nhất, có giá trị nhất đối với doanh nghiệp tạo động lực để xây dựng lợi thế cạnh tranh tạo khác biệt hóa và phát triển bền vững.
Đặc điểm của tài sản trí tuệ:
- Không cạnh tranh trong tiêu dùng: Tài sản trí tuệ có thể sử dụng theo nhiều cách áp dụng song song nhằm tạo ra thu nhập.
- Chi phí được sử dụng hết: Đầu tư vào tài sản trí tuệ và các chi phí liên quan không thể được sử dụng cho các mục tiêu khác.
- Tăng giá trị nghịch đảo của tài sản trí tuệ thông qua sử dụng: Tài sản trí tuệ không bị suy giảm giá trị liên quan đến việc sử dụng, càng sử dụng nhiều càng tăng giá trị. Ngược lại, tài sản hữu hình, càng sử dụng nhiều khấu hao càng nhiều.
- Sử dụng tài sản trí tuệ làm tăng giá trị sử dụng: Tăng giá trị của nhãn hiệu thông qua việc sử dụng. Việc thiết lập một tiêu chuẩn kỹ thuật làm tăng giá trị của tài sản trí tuệ.
- Khai thác tài sản trí tuệ cần các tài sản bổ sung như: Công nghệ, bí quyết kỹ thuật, vốn tài chính, nhân lực có kỹ năng, trang thiết bị sản xuất.
Tài sản trí tuệ và lợi thế cạnh tranh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tài sản trí tuệ là cơ sở, nền tảng để thực hiện độc quyền, nhượng quyền, các chiến lược khác biệt hóa, chi phi thấp …
Vậy lợi thế cạnh tranh là gì? Chúng ta đi vào tìm hiểu các lợi thế cạnh tranh của M.Poter như sau:
• Lợi thế chi phí thấp:
Tất cả doanh nghiệp hiện đứng vững được trên thị trường đều đã khai thác tối đa lợi thế chi phí thấp sản xuất với giá thành thấp (chi phí bình quân cho một đơn vị sản phẩm) hơn các đối thủ khác. Lợi thế của phí thấp là nguồn gốc cơ bản nhất của doanh nghiệp khi tham gia thị trường.
Phương thức biểu hiện của lợi thế chi phí thấp thường tập trung dưới dạng kiểm soát công nghệ và chi phí sản xuất, nhằm hướng đến chi phí chung thấp nhất. Kiểm soát nguyên vật liệu thô và khả năng đàm phán với nhà cung cấp mạnh để đạt được giá tốt nhất trong việc nhập nguyên vật liệu đầu vào.
• Lợi thế phân biệt hóa:
Khác biệt hóa sản phẩm là thiết kế một số điểm khác biệt, mang tính đặc trưng có ý nghĩa (độc nhất vô nhị) để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ trong ngành và mang đến cho khách hàng những giá trị cảm nhận độc đáo, tạo được sự trung thành của khách hàng với sản phẩm trong suốt chu kì sản phẩm và biến họ thành những người quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp.
Các phương pháp khác biệt hóa sản phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức như: Sự độc đáo trong thiết kế hoặc danh tiếng sản phẩm, tính năng của sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Thông thường, giá của sản phẩm mà doanh nghiệp có lợi thế này cao hơn giá của doanh nghiệp có lợi thế chi phí thấp rất nhiều nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng trả vì họ tin tưởng rằng các đặc tính khác biệt của sản phẩm xứng đáng với giá đó. Vì thế giá bán của sản phẩm dịch vụ được tính trên cơ sở bao nhiêu và bao lâu trên thị trường còn chịu đựng được.
Vai trò của tài sản trí tuệ trong lợi thế cạnh tranh
Quyền sở hữu trí tuệ có thể giúp một doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh: Như tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường, hạn chế hành vi sao chép, bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể, hoặc có quyền yêu cầu đối thủ bồi thường khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Việc sử dụng bằng sáng chế để tận hưởng một tiềm năng công nghệ ngắn hạn là cách tốt nhất để tạo ra lợi thế cạnh tranh với quyền sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm chủ chốt, sự cạnh tranh theo chiều hướng về quyền sở hữu công nghệ kỹ thuật là bảo vệ những đột phá công nghệ lớn có thể dẫn đến sự đổi mới cơ bản trên thị trường (tức là cạnh tranh với các sản phẩm khác biệt theo chiều dọc).
Tài sản trí tuệ là tài sản của doanh nghiệp và giúp nâng cao giá trị cho doanh nghiệp khi được định giá bởi các nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính nhờ độc quyền sở hữu tài sản trí tuệ có giá trị.
Tài sản trí tuệ là một hình thức đầu tư khôn ngoan. Việc có được quyền sở hữu trí tuệ có thể cải thiện mạnh mẽ tình hình tài chính của công ty thông qua việc mở rộng tài sản hiện có và nâng cao năng suất trong tương lai. Thị trường sẽ định giá doanh nghiệp trên cơ sở những tài sản của nó, tình hình kinh doanh hiện tại và kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai. Kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc sở hữu các bằng độc quyền sáng chế quan trọng. Có rất nhiều ví dụ về các doanh nghiệp đã làm tăng giá trị thị trường của mình chỉ sau một đêm nhờ nhận được những bằng độc quyền sáng chế cấp cho các công nghệ quan trọng, (Tương tự, một nhãn hiệu đẹp có uy tín với khách hàng cũng có thể làm tăng giá trị hiện tại của doanh nghiệp và có vai trò quyết định giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Do vậy, việc đầu tư vào xây dựng hồ sơ quản lý sở hữu trí tuệ tốt sẽ quan trọng hơn là sử dụng biện pháp phòng thủ trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Đó là biện pháp nâng cao giá trị thị trường và khả năng sinh lợi cho doanh nghiệp trong tương lai.)
Sở hữu trí tuệ cũng tạo thu nhập cho doanh nghiệp thông qua chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, bán hoặc thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Hoàng Ngọc