Tái sử dụng nước: Nhiều lợi ích kinh tế
Nước là nguồn tài nguyên có hạn, bao phủ 71% diện tích trái đất, trong đó 97% là nước mặn phần còn lại là nước ngọt và trong 3% nước ngọt đó thì chỉ khoảng 0.003% nước ngọt sạch mà con người đang sử dụng, phần còn lại bị đóng băng hoặc nằm quá sâu dưới lòng đất mà con người chưa có khả năng khai thác được.
Đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, việc đẩy mạnh công nghiệp làm cho một phần diện tích đất đai, hoa màu, cơ cấu nông nghiệp bị thu hẹp... kèm theo đó là vấn đề nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp. Việc sản xuất công nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn tài chính, nhân công lao động… Trong công nghiệp, trữ lượng nước được dùng là rất lớn, sau khi sử dụng nước thải ra thường mang theo các thành phần ô nhiễm khác nhau tùy theo loại hình sản xuất: BOD, COD, Độ màu, Ammoniac, Nitrogen và Phosphorus…
Tái sử dụng nước trong sản xuất công nghiệp bắt đầu tại Mỹ vào những năm 1940: nước thải sau xử lý được khử trùng và sử dụng trong dây chuyền sản xuất thép. Tại Thụy Điển, từ năm 1930 đến năm 1970, tổng lưu lượng tái sử dụng nước đã tăng 5-6 lần. Ở Israel, nước thải công nghiệp và sinh hoạt được thu gom vào các hệ thống xử lý nước thải; hơn 80% lượng nước thải của các hộ gia đình được tái sử dụng, đạt tới 400 triệu m3 nước/năm; khoảng ½ lượng nước dùng để tưới tiêu là nước thải đã qua tái sử dụng.
Tại Nhật Bản, do hạn chế về nước nên ứng dụng tái sử dụng nước từ rất sớm, nhờ vậy, năm 1995 đã có 89,6% dân số tại các thành phố lớn hơn 50.000 dân được sử dụng nước sạch. Ở Singapore, năm 2003 đã xử lý và cung cấp nguồn nước tái sử dụng với chất lượng khá cao (đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho ăn uống), cấp trực tiếp cho các ngành công nghiệp, các trung tâm thương mại và tòa nhà. Trung Quốc đã đạt được tỷ lệ 56% tái sử dụng nước trên tổng số 82 thành phố lớn (1989) và tỷ lệ tái sử dụng cao nhất đạt 93% (Mi, 2015).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Nguồn nước nội địa Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, khoảng 3.600 m3/người/năm, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4.000 m3/người/năm. Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nước ta có 615 cụm công nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có khoảng 300 khu công nghiệp, với lưu lượng xả thải trên 2 triệu m3/ngày, nhưng chỉ có khoảng 60% lượng nước thải được xử lý... Hiện có khoảng 70% lượng nước thải chưa được xử lý triệt để. Nước thải sau đó được xả thẳng ra ao, hồ, sông, suối...; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng năm, trên cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm (Anh, 2019).
Tại Bình Dương, là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, các cấp các ngành rất quan tâm đến vấn đề tái sử dụng nước thải qua xử lý nhằm tạo và phát triển các công nghệ nhằm tái tạo, tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy đã có nhiều công trình nghiên cứu cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. Điển hình là vào đầu năm 2019, Công ty Hằng Hữu Huỳnh đã khánh thành tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương. Nhà máy có thể xử lý tối thiểu 10.000 m3 và tối đa là 18.000 m3 mỗi ngày đêm. Đây là nhà máy kiểu mẫu đầu tiên của Việt nam xử lý nước thải công nghiệp thành nước tái sử dụng trở lại, phục vụ cho sản xuất tại các doanh nghiệp. Nước thải ra từ các nhà máy trong khu công nghiệp sẽ được tập kết về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tại đây, với phương pháp vi sinh theo một quy trình xử lý khoa học, nước thải sẽ trở về tiêu chuẩn cho phép để tái sử dụng, phục vụ cho sản xuất. Kết quả thử nghiệm nước tái sử dụng tại nhà máy hoàn toàn đáp ứng các chỉ số tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên - Môi trường và tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống con người...
Trong nghiên cứu về lĩnh vực này, TS. Nguyễn Phước Dân cũng đã phát triển công trình “nghiên cứu xây dựng quy chuẩn địa phương về tái sử dụng nước thải sau xử lý của ngành chế biến mủ cao su và ngành chăn nuôi để tưới cây. Công trình này cho biết, Qui chuẩn đề nghị chất lượng nước tái sinh cho tưới cây cao su đưa các giá trị nồng độ giới hạn cho COD, BOD5, SS, TKN và tổng coliform. Các giá trị giới hạn dựa trên tiêu chí đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thường xuyên tiếp xúc vườn cao su như công nhân chăm sóc cây và công nhân cạo mủ đồng thời tránh rũi ro ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng nước ngầm. Các thông số còn lại tham chiếu quy chuẩn nước tưới QCVN 39:2011/BTNMT. Các loại nước thải chăn nuôi từ bể biogas, hồ kị khí, xử lý sinh học bậc I và nước thải chế biến mủ cao su ly tâm và các loại sản phẩm mủ khác từ quá trình kị khí, hiếu khí có hàm lượng nitơ và photpho cao, vì vậy được đề xuất sử dụng lại cho tưới cao su (Dân, 2014).
Tài liệu tham khảo:
1. Anh, Đ. (2019, 01 23). https://laodong.vn. Retrieved from https://laodong.vn/xa-hoi/binh-duong-tai-su-dung-nuoc-thai-cong-nghiep-da-qua-xu-ly-654062.ldo
2. Dân, N. P. (2014). Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn địa phương về tái sử dụng nước thải sau xử lý của ngành chế biến mủ cao su và ngành chăn nuôi để tưới cây. Bình Dương: Trung tâm TTTK KHCN .
3. Mi, H. (2015, 8 10). http://cesti.gov.vn. Retrieved from http://cesti.gov.vn/chi-tiet/6135/khong-gian-cong-nghe/tai-su-dung-nuoc-thai-trong-san-xuat-cong-nghiep
Trần Phước