Thu thập, đánh giá và khai thác nguồn gen gừng nghệ hợp lý
Gừng, nghệ là cây trồng truyền thống của người Việt Nam với mục tiêu chủ yếu là làm gia vị và cung cấp một nguồn dược liệu quan trọng trong việc chữa trị những bệnh phổ biến ở vùng nhiệt đới. Hiện nay, sản phẩm gừng, nghệ đã và đang được quan tâm đầu tư, nghiên cứu phát triển ở hầu hết các châu lục, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Australia được xem là những nước đi đầu trong việc thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên này
Hiện nay, trong và ngoài nước cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử trồng trọt và khai thác gừng, nghệ gắn liền với những công trình và những bài thuốc chữa bệnh của Hải Thượng Lãn Ông và gần đây là của Đỗ Tất Lợi. Tập hợp những nghiên cứu về dược lý và tác dụng chữa bệnh của gừng, nghệ cho tới nay là một kho tàng đồ sộ với rất nhiều công trình đã và đang công bố cả trong Đông và Tây y. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các công trình đều tập trung nghiên cứu nhấn mạnh công dụng của gừng, nghệ trong việc phòng và trị bệnh. Cụ thể, gừng và nghệ còn có công dụng trong điều trị một số bệnh như: Giúp ngăn ngừa trong điều trị những cơn đau thắc ngực, nhồi máu cơ tim; ngăn cản sự tăng cholesterol trong máu, có tác dụng với các bệnh tăng mỡ máu, nhiễm mỡ gan; giúp cho hệ thống miễn dịch làm việc có hiệu quả, tăng khả năng chống chịu lạnh và hạn chế các bệnh viêm nhiễm. Ức chế thần kinh trung ương, ức chế hoạt tính của histamin, dẫn đến giảm co thắt cơ trơn, giảm cơn dị ứng… Đồng thời, nghệ có tác dụng rất tốt với những người bị viêm khớp; ngăn ngừa ung thư ruột kết và bệnh Alzheimer…
Tuy nhiên, nguồn gen gừng, nghệ nước ta hiện nay đã và đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn, có nguy cơ làm xói mòn nguồn gen, thậm chí có thể làm mất đi vĩnh viễn những nguồn gen vô giá này nếu chúng ta không sớm thực hiện một quá trình điều tra, thu thập và bảo tồn. Sự thoái hóa của đất, sự cạn kiệt của nguồn nước do lượng mưa phân bố không đều giữa các vùng, miền cũng như do quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quá trình thu hẹp diện tích đất nông lâm nghiệp để thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển giao thông... đã và đang là một thách thức không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống lại điều kiện môi trường khắc nghiệt của các giống và loài gừng, nghệ Việt Nam.
Do đó, để bảo tồn và phát triển trong điều kiện tự nhiên, nguồn gen thực vật này phải được sinh tồn trong mọi môi trường thuận lợi, ổn định, ít có những biến đổi khắc nghiệt mang tính hủy diệt nguồn gen. Ngày nay, ở hầu khắp các châu lục, điều kiện sinh tồn của hàng nghìn giống, loài gừng, nghệ đã và đang đứng trước những thảm họa xói mòn nguồn gen, có nguy cơ mất đi hàng loạt bởi những biến đổi khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó quá trình biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, sự thu hẹp của diện tích đất nông, lâm nghiệp được xem là những thay đổi có ảnh hưởng lớn nhất đến sự mất đi của nguồn tài nguyên thực vật này.
Chính vì thế, Trung tâm Giống cây trồng và công nghệ nông nghiệp đã chủ trì thực hiện đề tài “Thu thập đánh giá, khai thác và sử dụng nguồn gen gừng, nghệ góp phần bảo tồn đa dạng cây trồng ở Việt Nam”. Kết quả, đã tuyển chọn được 2 bộ giống ưu tú gồm 10 giống gừng và 10 giống nghệ, là nguồn vật liệu để so sánh tuyển chọn giống triển vọng cho sản xuất.
Thanh Bình