Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ
Mô hình kinh tế chia sẻ hay kinh tế chia sẻ đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng mãi đến năm 2009 mới phát triển mạnh mẽ. Những mô hình kinh tế chia sẻ có sự lan tỏa trên toàn cầu như: Mô hình chia sẻ ô tô trong cộng đồng, tận dụng nguồn tài nguyên đang bị lãng phí là những chiếc xe ôtô được tư nhân sở hữu (mô hình RelayRides); chia sẻ nhà ở cho người đi du lịch, tận dụng nguồn tài nguyên đang lãng phí là những căn phòng không dùng đến (mô hình Airbnb); mô hình giúp đỡ nhau trong cộng đồng, được đầu tư 38 triệu USD vào năm 2012 (mô hình TaskRabbit); nền tảng Uber tận dụng nguồn tài nguyên ô tô, xe gắn máy ít được đưa vào lưu thông và người lao động không kiếm được việc làm trong cộng đồng; mô hình gọi vốn từ cộng đồng để thực hiện các dự án (mô hình KickStarter)…
Có thể nhận định rằng, các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới có tiềm năng phát triển lớn mạnh trong tương lai vì giúp tiết kiệm được chi phí, bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ… Tuy nhiên, mô hình này cũng tồn tại nhiều mối lo ngại như: Sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ quá nhanh làm cho khung pháp lý của nhiều quốc gia sẽ không theo kịp, điều này không tránh khỏi “sự cạnh tranh không công bằng” trong kinh doanh sẽ xảy ra; hoặc là sự tăng trưởng doanh thu theo cấp số nhân của các mô hình cũng giúp một số công ty “danh nghĩa” tận dụng kẻ hở pháp lý để trốn thuế…
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ cũng được nhắc đến nhiều trong các diễn đàn, hội nghị, hội thảo… trong thời gian gần đây. Một số mô hình kinh tế chia sẻ được nhiều người biết đến như: Uber, Grab, Traveloka, Airbnb... hoặc sự xuất hiện của hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove, jupviec.vn, Cơm mẹ nấu... Như vậy, nền kinh tế chia sẻ sẽ giúp cho Việt Nam xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu.
Nhằm ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới và để có cơ sở pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam phát triển, tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty truyền thống và công ty công nghệ và điều quan trọng nhất là mang lại lợi ích cuối cùng cho người dùng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình chia sẻ vào ngày 15/8/2019 tại Quyết định số 999/QĐ-TTg với mục tiêu dảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Đề án cũng đã định hướng giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với 4 nhóm giải pháp: Các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ; giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ; giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ; giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Trong nền kinh tế chia sẻ, cần phải nâng cao năng lực cho các cá nhân và doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc khai báo thông tin liên quan đến các hoạt động của kinh tế chia sẻ; xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan; giải quyết vấn đề nảy sinh trong kinh tế chia sẻ như vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; tạo thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh chia sẻ và có chính sách hỗ trợ người cung cấp dịch vụ tham gia vào thị trường.
Người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ cũng cần phải nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử. Các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong công tác điều hành quản lý nhà nước; đồng thời xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
Nhà nước sẽ tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động R&D; tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học để nâng cao đóng góp của các Trường đại học, cơ sở nghiên cứu nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; Đồng thời, có chính sách cho phép thử nghiệm trong phạm vi hẹp có thời hạn đối với các hoạt động cung cấp nền tảng có tính mới; tôn trọng tính mới, tính sáng tạo của hoạt động doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng, khuyến khích khai thác lợi thế chia sẻ kết nối, lợi thế công nghệ.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; xây dựng các chính sách tạo chủ động phát triển kinh tế chia sẻ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp; đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các hộ kinh doanh; tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra; nâng cao năng lực quản lý nhà nước bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức, đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng.
Minh Thu