Thương mại điện tử Việt Nam: Chính sách và pháp luật chưa đồng bộ
Từ kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp tại các địa phương và những thông tin liên quan, Hiệp hội Thương mại điện tử đã công bố Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2019.
Đây là nguồn thông tin tin cậy phản ảnh tình hình hiện tại, những vấn đề nổi bật và xu hướng phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) cả nước cũng như từng địa phương, góp phần vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, TMĐT trong năm 2019 còn nhiều cản trở cho sự phát triển bức phá, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chênh lệch khoảng cách số giữa các địa phương còn rất cao. Bên cạnh đó, khía cạnh chính sách và pháp luật thiếu tính đồng bộ cũng là một yếu tố cần quan tâm.
Tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về TMĐT và Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 quy định về quản lý website TMĐT đã xác định các mạng xã hội hỗ trợ mua bán trực tuyến phải tuân theo các quy định đối với sàn TMĐT, đơn vị sở hữu và quản lý mạng xã hội này có trách nhiệm như thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT. Khi khách hàng trên sàn TMĐT phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, người bán hàng hoá và dịch vụ trên mạng xã hội này có trách nhiệm như người bán trên sàn giao dịch TMĐT.
Bên cạnh đó, các đơn vị sở hữu, quản lý mạng xã hội chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông, trước hết phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động của mạng xã hội. Mặc dù đã tiến hành đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT theo Nghị định về TMĐT nhưng các đơn vị này chưa chú trọng tới việc tuân thủ quy định về trách nhiệm của đơn vị sở hữu, quản lý mạng xã hội cũng như giám sát trách nhiệm của người bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Đáng chú ý, mạng xã hội của nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam như Facebook chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.
Cũng theo Báo cáo, trong TMĐT việc bảo vệ thông tin cá nhân có tầm quan trọng rất đặc biệt. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định về TMĐT, Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân vẫn diễn ra phổ biến. Rõ ràng, nguy cơ bị thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT. Người tiêu dùng sẽ chờ đợi những tín hiệu tích cực từ việc thực thi Luật An ninh mạng đối với vấn đề nhức nhối này.
Cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, TMĐT qua biên giới cũng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi nhà nước cần có các chính sách và giải pháp linh hoạt nhằm phát huy những lợi ích và giảm thiểu những tác động tiêu cực của hình thức thương mại tiên tiến này. Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu phát triển nhanh TMĐT xuyên biên giới, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm 30% kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.
Cho tới hết năm 2018 hoạt động TMĐT xuyên biên giới loại hình B2C còn gặp nhiều khó khăn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Chẳng hạn, một số sàn TMĐT tại Việt Nam cung cấp dịch vụ cho người bán hàng nước ngoài. Người mua có thể trả lại hàng nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo và không bị tính tiền vận chuyển món hàng trả ngược lại người bán ở nước ngoài. Nói chung, người mua có khuynh hướng thanh toán khi nhận hàng (COD).
Tuy độ rủi ro của COD là cao nhưng nhiều sàn TMĐT sẵn sàng chấp nhận để đưa hàng đến tay người tiêu dùng, với hy vọng lòng tin của người tiêu dùng sẽ được củng cố theo thời gian. Tuy nhiên, khi hàng hóa đã được người tiêu dùng chấp nhận, thì đơn vị quản lý sàn phải đối mặt với khó khăn mua ngoại tệ và thanh toán lại cho nhà bán hàng xuyên biên giới. Việc này gần như bất khả thi vì theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và Nghị định 70/2014/NĐ-CP, sàn TMĐT cần xuất trình nhiều loại giấy tờ mới được mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài: (1) Lệnh chuyển tiền; (2) văn bản yêu cầu mua ngoại tệ; (3) hợp đồng ngoại thương; (4) tờ khai hải quan hàng nhập khẩu; (5) hóa đơn. Ngoài ra, do sàn TMĐT không phải là người nhận hàng nhập khẩu nên còn cần bổ sung thêm: Xác nhận đã nhận hàng của người tiêu dùng và giấy ủy quyền của người tiêu dùng.
Đặc điểm của TMĐT xuyên biên giới loại hình B2C hoặc C2C là hàng tiêu dùng giá trị thấp. Theo khảo sát sơ bộ của VECOM, các món hàng có giá dưới 30 USD chiếm đến 80%. Do đó, chi phí để xuất trình chứng từ giấy để mua ngoại tệ và thanh toán theo quy định rất cao so với giá trị sản phẩm, chưa kể chi phí cho một điện chuyển tiền xấp xỉ 20 USD/điện.
Vì vậy, có sàn TMĐT lâm vào tình cảnh thu được tiền nhưng không chuyển trả người bán được, dẫn đến tình trạng phải dùng biện pháp tình thế là nhờ công ty mẹ ở nước ngoài thanh toán giúp, sau đó bù trừ bằng những giao dịch khác. Một số doanh nghiệp TMĐT đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép: (1) mua ngoại tệ từ nguồn tiền mặt; (2) thay việc xuất trình tờ khai hải quan bằng kết nối dữ liệu hải quan; (3) thay hợp đồng bằng các bản “Điều khoản & Điều kiện” giao kết giữa các bên; (4) thay hóa đơn bằng thông tin đơn hàng.
Đối với các sàn TMĐT, việc pháp luật không chấp nhận hình thức thanh toán rút gọn với các dữ liệu điện tử thay vì chứng từ giấy đã tạo ra nhiều trở ngại cho sự phát triển TMĐT xuyên biên giới, đồng thời tạo nên sự thiếu minh bạch trong quá trình thanh toán. Đối với người tiêu dùng, họ không được tiếp cận những sản phẩm tương xứng với giá tiền và quyền được trả hàng khi hàng hóa không đúng như quảng cáo. Việc chỉ cho phép ngân hàng chấp nhận chứng từ giấy theo kiểu truyền thống trong thanh toán quốc tế và không có kết nối dữ liệu là không phù hợp với quá trình hiện đại hóa và tự động hóa trong dịch vụ ngân hàng, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. Nội dung của Đề án này cần vượt qua chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính như thuế và hải quan và bao hàm nhiều vấn đề gắn với TMĐT xuyên biên giới thuộc chức năng của các Bộ, ngành liên quan. Để đạt được mục tiêu đề ra tại Kế hoạch tổng thể, trong hai năm 2019 và 2020 các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp hành động và triển khai các hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho mô hình TMĐT xuyên biên giới.
Minh Thu