Tổ hợp tác “ Làng mai ” xã An Tây - Tập thể điển hình trong sản xuất, kinh doanh
Mai vàng là loại hoa kiểng không thể thiếu được trong những ngày năm hết Tết đến nhất là ở Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một bình Mai, chậu Mai đón xuân.
Đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu chơi Mai, thưởng thức vẻ đẹp của Mai ngày càng lớn. Trong muôn vàn sắc hoa, cây Mai quyến rũ người đời bởi sự tương phản hiếm có: Thân gầy guộc, hoa mỏng manh, hương thơm dịu dàng, thanh khiết nhưng ẩn chứa trong mình sự kiêu dũng, khí phách. Bản thân cây Mai không đòi hỏi nhiều công chăm sóc bởi đây là loại cây cảnh dễ sống và dễ trồng nhất. Song để tạo ra những chậu Mai kiểng được ghép cành, uốn thế, cây Mai ghép nhiều màu, hoặc cây Mai bonsai tuyệt đẹp thì lại đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, hiểu biết về loài cây này. Điều quan trọng nhất và cũng khó nhất trong kỹ thuật trồng Mai là tạo dáng cây và giúp Mai nở hoa đúng kỳ, hoa đều, màu đẹp. Tuy nhiên, nếu có niềm đam mê và chút tài năng nghệ thuật hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu từ nghề này. Trong mỗi dịp Tết, mâm ngũ quả và hoa Mai là hai thứ không thể thiếu đối với người dân Nam bộ, vì nó tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc và may mắn cả năm.
Hình 1: Mô hình trồng Mai ruộng của anh Huỳnh Ngọc Cẩn - ( Tổ trưởng tổ hợp tác - Ấp Lồ Ồ)
Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc định hướng, phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả trong sản xuất. Xuất phát từ nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của một số hội viên nông dân nên việc tập hợp, thành lập Tổ hợp tác là điều rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn. Năm 2012, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác “ Làng Mai” xã An Tây theo Quyết định số 62/ QĐ- UBND ngày 04/7/2012 của Chủ tịch UBND xã An Tây. Tổ hiện có cơ cấu gồm 01 tổ trưởng; 01 tổ phó; 01 thư ký và 19 tổ viên, với diện tích đất sản xuất 8.6 ha, vốn hiện có khoảng 04 tỷ đồng, thu nhập hàng năm khoảng trên 2 tỷ đồng.
Hình 2: Mô hình trồng Mai chậu của anh Bùi Đức Dũng - Ấp An Thành
Tổ hợp tác đã bầu ra anh Huỳnh Ngọc Cẩn làm tổ trưởng và xây dựng quy chế hoạt động, hợp đồng hợp tác, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Việc thành lập Tổ hợp tác giúp tổ viên hợp tác với nhau trong sản xuất, kinh doanh; cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tính toán đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Hình thành quỹ tương trợ; đoàn kết giúp nhau về vốn, cây giống… để cùng phát triển; khi tổ viên gặp khó khăn trong sản xuất thì tất cả các tổ viên còn lại bàn bạc, thống nhất giúp tổ viên vượt qua khó khăn. Tổ chức sinh hoạt định kỳ (Tháng, quý, năm), tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh… Đây là điều kiện để góp phần duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn được Hội Nông dân xã xây dựng dự án “ Trồng và chăm sóc Mai” được Hội Nông dân thị xã Bến Cát và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho vay vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân với tổng số tiền là 900 triệu đồng giúp các thành viên trong tổ có thêm nguồn vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thu nhập của các thành viên trong tổ được nâng lên rõ rệt.
Hình 3: Vườn mai Tết của anh Đỗ Văn Trễ - Ấp Lồ Ồ
Trong những năm qua, Tổ hợp tác “ Làng Mai” được sự giúp đỡ tận tình của Hội Nông dân các cấp, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể xã và trực tiếp là Đảng ủy xã An Tây, các chỉ tiêu Tổ hợp tác đề ra đều đạt và vượt. Trong đó nhờ sự đoàn kết nội bộ tốt, chung sức, chung lòng của tập thể, thường xuyên đi đầu trong các lãnh vực. Trong thời gian qua, Tổ hợp tác “ Làng Mai” xã An Tây đẩy mạnh công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các hoạt động của Tổ hợp tác. Song song với việc triển khai quy chế hoạt động của tổ, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ viên, những người yêu thích nghề trồng Mai, về lợi ích và hiệu quả trên các mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường… Góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và giảm nghèo ở địa phương.
Thế mạnh của Tổ hợp tác “Làng Mai” xã An Tây là trồng và kinh doanh cây Mai vàng, nghề trồng Mai tại đây có truyền thống từ lâu đời, ban đầu chỉ có dăm bảy hộ trồng chưng trong nhà vào dịp Tết, dần dần do nhu cầu lớn nên nhiều hộ tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng Mai, sau đó tự lai giống, chăm sóc uốn tỉa cành, tạo tán để có sản phẩm độc đáo. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng thời tận dụng lợi thế, khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua xã An Tây đã phát triển nghề trồng Mai khá nhanh. Thành lập Tổ hợp tác “ Làng Mai” để cùng nhau học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, giúp nhau về cây giống, nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết các tổ viên điều có kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây này, được Hội Nông dân xã phối hợp với trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông thị xã Bến Cát mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên việc ứng dụng vào thực tế trồng và chăm sóc cây Mai khá thành thạo. Ngoài việc được Hội Nông dân xã cung cấp thông tin, khoa học kỹ thuật và cập nhật giá cả thị trường, đồng thời tạo thương hiệu cho sản phẩm làng Mai An Tây - Bến Cát.
Hình 4: Anh Huỳnh Ngọc Cẩn – Tổ trưởng THT, chăm sóc Mai sau Tết
Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Ngọc Cẩn tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ:
“ Cứ đến ngày rằm tháng chạp hàng năm thì mọi người nơi đây tất bật nhặt lá để cây Mai ra hoa. Những ngày này, khí hậu chuyển sang mát mẻ, ban ngày trời nắng ấm, có gió nhẹ, về đêm trời se lạnh và có sương, đây là điều kiện tốt cho Mai ra hoa đúng vào dịp Tết. Dù mình chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ… cũng không bằng thiên nhiên ưu đãi, sương về đêm là nhân tố quyết định cho nụ mai phát triển, nụ mai nhiều, sum suê, cánh mai nở có đẹp hay không là quyết định do sương”.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 vừa qua, do thời tiết không thuận lợi, làm cho cây Mai trổ hoa sớm nhưng với kinh nghiệm cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Tổ hợp tác “ Làng Mai” đã kịp thời cung ứng cho thị trường trên 10.000 gốc Mai, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 2 tỷ đồng. Dự kiến, Tết Nguyên đán năm 2020 sẽ cung ứng cho thị trường khoảng trên 18.000 cây Mai các loại cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tổ hợp tác còn phát triển thêm dịch vụ nhận dưỡng và chăm sóc Mai cho các hộ dân, các cơ quan, công ty… cho thu nhập hàng năm khoảng 400 - 500 triệu đồng.
Hình 5: Anh Bùi Đức Dũng - ấp An Thành, thiết kế hệ thống tưới tự động cho vườn Mai
Có thể thấy, việc chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ, lẻ theo hướng kinh tế tập thể từ mô hình Tổ hợp tác “ Làng Mai” là sự thay đổi tư duy đúng hướng về nhận thức và phương pháp quản lý trong sản xuất, kinh doanh. Phát huy từ những hiệu quả trên, trong thời gian tới, Tổ hợp tác “ Làng Mai” xã An Tây sẽ kiến nghị với chính quyền địa phương hỗ trợ thêm vốn để mở rộng diện tích, khuyến khích người dân học tập theo mô hình làm ăn hiệu quả này và tiến tới thành lập Hợp tác xã.
Nguyễn Lê Công Minh - Hội Nông dân xã An Tây, Tx. Bến Cát, BD