Tọa đàm “Phát triển thương hiệu cho sản vật Việt – Cơ hội và thách thức”
Chiều 18/4, Cục Công tác phía Nam và Báo Khoa học và Phát triển (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển thương hiệu cho sản vật Việt: Cơ hội và thách thức”.
Tham dự buổi tọa đàm có ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ KH&CN, ông Trần Giang Khuê - Phụ trách Văn phòng Đại diện Cục SHTT tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Quatest 3), ông Đỗ Lê Thăng - Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Phát triển cùng đại diện đến từ Sở KH&CN, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp, hiệp hội trong khu vực.
Mặc dù Việt Nam có hàng nghìn sản vật nổi tiếng, tuy nhiên, theo thống kê của cục SHTT, đến nay cả nước mới chỉ có 49 sản vật được cấp Chỉ dẫn địa lý với các sản vật quen thuộc như nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn, nón lá Huế, cam Vinh, cói Nga Sơn, bưởi Tân Triều,…. và gần 1.000 sản vật được bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Theo ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, sản lượng các sản vật của Việt Nam rất lớn nhưng chất lượng vẫn chưa được như kỳ vọng. Để các sản phẩm đưa ra thị trường đạt chất lượng tốt và hình thức, mẫu mã đẹp thì phải có sự thay đổi về quy trình sản xuất, công nghệ, phải tuân thủ các tiêu chuẩn, nguyên tắc một cách nghiêm ngặt. Bởi vì hình ảnh và mẫu mã sản phẩm rất quan trọng, nếu hình ảnh sản phẩm không bắt mắt, không phù hợp thì rất khó tiếp cận khách hàng. Chất lượng sản phẩm cũng chính là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu.
Ông Lê Ngọc Lâm cho rằng chúng ta cần phải tận dụng thế mạnh của SHTT để hỗ trợ cho các sản phẩm nông sản Việt. Và để làm được điều đó, trong thời gian tới, các tổ chức, cá nhân muốn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản vật phải tìm hiểu kỹ hơn các quy định về SHTT.
Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của ông Phan Minh Thông – Tổng giám đốc công ty cổ phần Phúc Sinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam, ông chia sẻ góc nhìn từ phía doanh nghiệp về những thách thức và kinh nghiệm khi đưa sản vật Việt ra thị trường thế giới. Theo đó, để sản vật Việt có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường và cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thế giới thì một điều cực kỳ quan trọng mà các doanh nghiệp cần quan tâm đó chính là việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản phẩm và đổi mới công nghệ.
Thu Hà