Trang công nghệ
1. Trước loài người, loài vật đã đặt chân vào vũ trụ
Năm mươi năm trước, hai phi hành gia người Mỹ trở thành những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, trước khi loài người bay ra không gian, các phi hành gia động vật đã thực hiện những chuyến bay ra ngoài vũ trụ.
Năm 1948, chú khỉ có tên là Albert lần đầu tiên được NASA đưa vào không gian. Nó đã được gây tê trong quá trình bay và đã không bao giờ lại trái đất. Sau đó, rất nhiều con khỉ cũng trở nên nổi tiếng khi nằm trong danh sách phi hành gia bay vào vũ trụ.
1951, chuyến bay đưa một con khỉ tên Yorick và 11 con chuột được các nhà khoa học tuyên bố là thành công khi được đưa vào không gian và trở về Trái đất mà vẫn còn sống. Từ thành công đó, các thí nghiệm tiếp theo được thực hiện càng tỷ mỷ và kỹ lưỡng hơn. Trong một chuyến bay khác, hai con chuột bạch Mildred và Albert được đặt trong một lồng xoay cho phép chúng tự do trôi nổi trong môi trường không trọng lượng, thay vì bị bó buộc như ở các chuyến bay trước đó. Trong một tên lửa của Mỹ với vận tốc 3000km/h, hai chú chuột được trải qua trạng thái không trọng lực khi bay lên độ cao cách mặt biển 60km, một chiếc dù đã bung ra để giúp tên lửa hạ cánh nhẹ nhàng, các nhà khoa học cho biết, phi hành đoàn động vật đã thực hiện thành công chuyến bay.
Trong khi đó, Liên Xô cũng đưa loài vật thân thiết nhất với con người lên không gian. Laika, chú chó thám hiểm không gian nổi tiếng nhất đã bay trên quỹ đạo vòng quanh trái đất vào năm 1957, giống như những chú chó thám hiểm không gian khác của Liên Xô, Laika là chú chó hoang, các nhà khoa học tin rằng, những chú chó bỏ rơi này có thể chống chọi tốt hơn với điều kiện khắc nghiệt bên trong tàu con thoi…
Sự trở về thành công của các con vật thí nghiệm, khiến các nhà khoa học tự tin rằng loài người cũng có thể sống sót sau khi bay vào vũ trụ. Ông Robert Holmes, Giám đốc chương trình lý sinh học và du hành vũ trụ cho biết “việc động vật có thể tiếp xúc với các điều kiện tự nhiên trên không gian mà thể chất không bị ảnh hưởng quá nhiều mang đến cho chúng tôi động lực để hy vọng rằng, kết quả tương tượng sẽ được áp dụng với phi hành đoàn con người”.
Năm 1961, loài người đã theo chân những đồng nghiệp động vật của mình để bay lên vũ trụ. “Trái đất trông như một viên ngọc xanh trôi bồng bềnh trên bầu trời màu đen”, thiếu tá sỹ quan không quân Liên xô Yuri Gagarin, phi hành gia đầu tiên bay lên không gian trong chuyến hành trình kỳ diệu kéo dài 108 phút của mình cho biết.
Và giờ đây, khi mà loài người đã đi vào không gian, các loài động vật vẫn đóng vai trò quan trọng, các phi hành gia trên trạm không gian quốc tế đang nghiên cứu xem, loài vật làm thế nào để thích nghi với phi trọng lực, nghiên cứu các loài động vật trong không gian có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cách mà loài người sinh hoạt đang bay trong quỹ đạo của trái đất, trên mặt trăng, sao hỏa, hoặc xa hơn nữa.
2. Công nghệ 3D: Sống động trong thế giới văn học
Ứng dụng công nghệ 3D thực tế ảo trong đào tạo đang là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, một trường Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng công nghệ này trong việc giảng dạy môn văn, địa lý. Thật bất ngờ hơn, những hình ảnh 3D, audio, slide bài giảng đều do các bạn học sinh lớp 11,12 tham gia thực hiện cùng thầy cô.
Sử dụng công nghệ này, những cụm từ trong văn học được tái hiện bằng hình ảnh, âm thanh… các bạn học sinh sẽ được khám phá qua chương trình game khi nhập vai vào vai nhân vật của tác phẩm. Game khá dễ dàng bằng 8 chữ cái trên bàn phím nhưng lại giúp các em cảm nhận được hoàn cảnh, không gian, thời gian… tác phẩm ra đời. Em Đỗ Quỳnh Anh, Trường Trung học phổ thông FPT cho biết “đối với một số bạn, môn văn là môn học khá khô khan, rất khó tưởng tượng bài văn qua những dòng chữ. Đối với em, công nghệ 3D mà em đang được thừa hưởng là một lợi thế, có thể hình dung được hình ảnh tốt hơn khi chỉ được nghe và đọc sách”.
Thầy Đoàn Mạnh Linh, giáo viên Trường THPT FPT, phụ trách dự án ứng dụng CNTT trong dạy học và các môn học xã hội cho rằng “việc áp dụng công nghệ thông tin trong bài giảng mang đến phương thức giảng dạy mới mẻ, sinh động, tạo nhiều cảm hứng cho thầy và trò thời đại 4.0. Những yếu tố công nghệ đã phá tan lớp băng của sự khuôn mẫu, nhàm chán trong các môn học truyền thống, giúp học sinh thêm yêu thích và sáng tạo hơn trong việc học, khuyến khích học sinh tự học, tự khám phá tri thức”
3. Startup: Nền tảng trực tuyến chia sẻ xe tự lái
Với sự phát triển của xu hướng công nghệ 4.0, các lợi ích của việc đặt dịch vụ vận chuyển qua kênh trực tuyến, trong đó có công nghệ chia sẻ xe ngày càng phổ biến. Dịch vụ này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới từ nhiều năm trước và được xem là một dịch vụ giao thông tiện tích cho các đô thị hiện đại, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, startup Chungxe - nền tảng cho thuê xe tự lái ra đời năm 2017 và nhanh chóng được khách hàng và người cho thuê xe quan tâm. Là một dịch vụ tiềm năng cho thị trường Việt Nam.
Chung xe là một trong 25 startup nổi bật của Cuộc thi bình chọn startup Việt, giải Nhất cuộc thi Hackathon về Giao thông thông minh vào tháng 7/2018, Top 20 Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, đó là những thành quả bước đầu của nền tảng trực tuyến chia sẻ xe tự lái.
CEO Hoàng Hồng Minh, nhà sáng lập Chungxe cho biết, xuất phát từ nhu cầu cá nhân, khi có xe nhàn rỗi muốn cho người khác thuê những không có một ứng dụng nào giúp cho Ông kết nối với những người có nhu cầu thuê. Trong khi có rất nhiều người quen biết có nhu cầu thuê xe đi về quê hoặc đi chơi thì rất kiếm được một chiếc xe trên thị trường. Chính vì thế, Ceo Hoàng Hồng Minh quyết định xây dựng một nền tảng kết nối những người có nhu cầu cho thuê xe với những người có nhu cầu muốn thuê xe, từ đó Chung xe ra đời. Ý tưởng là như vậy, nhưng khi triển khai Chungxe cũng gặp nhiều thách thức khó khăn như: Thị trường cho thuê xe tự lái (đối tượng thuê xe, rủi ro trong giao dịch, nguy cơ xe bị thay đổi phụ tùng…), tìm cộng sự có cùng chí hướng.
Trong dự án này, Chung xe sử dụng công nghệ BigData và AI để xác định thông tin đối tượng cho thuê, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc xe, công nghệ định vị, điều khiển xe từ xa... Trong tương lai, Chungxe định hướng phát triển hình thức cho thuê xe một nơi và trả tại một nơi khác. Bạn có thể thuê xe ở Hà Nội vào Đà Nẵng, để xe ở Đà Nẵng, sau đó bắt máy bay về hoặc đi đến nơi khác, không cần quay lại vị trí thuê, không cần thủ tục rườm rà.
Trần Phước