Trang công nghệ
1. Báo động rác thải điện tử
Rác thải điện tử, bao gồm bất kỳ sản phẩm nào có dùng pin và dây dẫn điện, khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi, chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành rác điện tử hoặc những loại rác này có thể đem tái chế được như đầu đĩa DVD, máy in, tivi, điện thoại, laptop... Trong loại rác thải này có rất nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người như: Cadium trong điện trở, chì, thủy ngân...
Ước tính, trong một năm mỗi người Châu Á sẽ thải ra 3,7kg rác thải điện tử tương đương 2 chiếc laptop, nhưng điều đáng ngại là ở Châu Á chưa có quy trình xử lý loại rác thải này một cách hiệu quả. Ở nước ta, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giai đoạn 2004 - 2010, tỷ lệ sử dụng máy tính cá nhân tại mỗi hộ gia đình đạt 0,17 chiếc. Tỷ lệ sử dụng máy giặt, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ và tivi màu lần lượt tăng 183%, 139%, 32% và 23%. Ước tính đến năm 2020, riêng thành phố Hà Nội sẽ phải thải bỏ tới 161.000 chiếc tivi, 97.000 PC, 178.000 tủ lạnh, 136.000 máy giặt và 97.000 chiếc điều hòa nhiệt độ. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ước tính sẽ có 700.000 tivi, 290.000 PC, 424.000 tủ lạnh, 339.000 máy giặt và 330.000 chiếc điều hòa nhiệt độ bị thải bỏ.
Theo HauGiangTV cho biết, báo cáo của Liên Hiệp quốc và các quốc gia Châu Á, trong đó có Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc có quy trình xử lý rác thải điện tử tiên tiến, nhưng nhiều quốc gia khác trong đó có cả Trung Quốc vẫn còn loay hoay chưa tìm được giải pháp hợp lý cho việc tái chế đồ điện tử, nhiều nơi thậm chí còn trường hợp dùng búa để đập vỡ máy tính cũ, hay dùng lửa để đốt các thành phần điện thoại hư, nhằm tiếp xúc các kim loại quý có trong thiết bị, vấn đề là cách làm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Báo cáo cũng đề nghị nâng cao nhận thức của người dùng, xây dựng các nhà máy tái chế phù hợp, xử lý chất thải công nghiệp, thiết bị điện tử.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm điện tử thường được chế tạo từ kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hoá học khác nhau có thể xâm nhập vào đất và trở nên có hại. Những thứ như chì, thủy ngân, đồng, niken, bari, thậm chí là arsen hiện diện ở trong vô số sản phẩm điện tử. Khi con người tiếp xúc với liều lượng ít thì chưa thấy có nguy hại rõ ràng do chúng được cơ thể đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khi lượng tiếp xúc nhiều hơn lượng đào thải thì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người, là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, suy giảm nhận thức hay nội tạng bị hủy hoại… Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Scotland, Hàn Quốc… cảnh báo.
Trong khi rác thải điện tử ngày một gia tăng thì nhận thức về tác hại của rác thải trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Đa số người dùng sẽ bán những vật dụng điện tử không còn sử dụng được làm phế liệu, từ đó, những linh kiện có giá trị sẽ được chuyển đi tái chế, số còn lại thì đem đốt, chôn lắp hoặc thải ra môi trường một cách tự phát.
Việc đốt cháy ngoài trời sẽ giải phóng hydrocarbon vào không khí, trong khi quy trình hóa học để bóc tách lấy vàng từ con chip máy tính bọc vàng sẽ dẫn đến việc tạo ra các chất thải dioxin và kim loại nặng, điển hình là chất dioxin trong không khí ngày một gia tăng tại các bãi rác thải điện tử trên thế giới; Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa những chất như chì và baric, các chất này có thể ngấm vào đất và nước ngầm làm ảnh hưởng đến con người và động thực vật sinh sống sử dụng nguồn nước đó… Ngoài ra, những thiết bị lưu trữ khi được thải bỏ ra bên ngoài mà không xóa hết những thông tin cần thiết thì cũng gây ảnh hưởng đến vấn đề an ninh thông tin, điển hình là hàng loạt tội phạm có tổ chức ở Ghana chuyên khai thác thông tin mật từ các ổ đĩa máy tính bị vứt bỏ.
Có thể nói, rác thải điện tử rất nguy hiểm cho con người, chính vì vậy không nên tái chế, đốt, xử lý một cách bừa bãi, không đúng quy định. Rác thải điện tử phải được phân loại và phải được xử lý đúng quy trình. Các nhà quản lý cần quan tâm vấn đề quản lý chất thải điện tử hơn nữa. Cần sớm có những công nghệ tiên tiến tái chế, xử lý chất thải điện tử một cách hiệu quả nhất.
2. Công nghệ in 4D
Dựa trên nền tảng hiện có của in 3D, in 4D sử dụng các vật liệu kích thích các đối tượng in để thay đổi hình dạng, chức năng, màu sắc hoặc các thuộc tính khác khi cần. Các vật liệu được thiết kế đặc biệt này có các đặc tính cho phép chúng hoạt động khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nắng mưa hoặc dòng điện, và có thể cho phép thiết kế lại một loạt các vật thể đang sử dụng ngày nay. Các vật liệu có thể lập trình được sử dụng trong in 4D sẽ cho phép các công ty kết hợp chiều không gian thứ tư trong sản xuất. Các công ty sẽ có thể in các đối tượng có thể tự lắp ráp, định hình lại hoặc phản ứng với các sự kiện hoặc điều kiện thay đổi. Công nghệ có thể xác định lại cách chúng ta thiết kế, sản xuất và tương tác với tất cả các loại đối tượng.
Hiện tại, in 4D vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu các thiết bị có thể tự lắp ráp, nhưng hầu hết là các thiết bị cực nhỏ ở cấp nano. Khi kết hợp với công nghệ nano, các nhà khoa học sẽ kiểm soát tốt hơn sự biến đổi của các loại vật liệu ở cấp độ phân tử, tăng độ chính xác cần thiết. Trong tương lại, nếu công nghệ này được phát triển hơn nữa, nó có thể dẫn đến các loại cảm biến mới có thể được tích hợp trong thiết bị y tế để phát hiện tất cả các loại giá trị đo lường.
Minh Thông