Ứng dụng công nghệ sấy đảo chiều trong sấy nông sản
Vài năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có bước phát triển khá mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các năm và tăng hơn 30% trong năm 2016. Tuy nhiên tại Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10 đến 20% và rau quả là 10 đến 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người sản xuất nông nghiệp không thể chuyển sang chế biến, bảo quản.
Do đó, sấy là một trong những công đoạn quan trọng trong quá trình bảo quản và chế biến nông sản. Có nhiều giải pháp làm khô nông sản đang được ứng dụng như sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy bằng tia hồng ngoại, sấy bằng dòng điện cao tầng. Mỗi công nghệ sấy có những ưu và nhược điểm riêng, có thể sấy các dạng nông sản, dược liệu thô hay chế biến sâu. Trong đó, sấy để bảo quản nông sản ngay sau thu hoạch nhằm giữ chất lượng sản phẩm, tránh hư hao, tạo ra nguyên liệu tốt làm giống cho vụ sau, tạo ra nguyên liệu tốt trước khi đưa vào sơ chế, chế biến thì chỉ cần trang bị hệ thống máy sấy đảo chiều gió. Đây được xác định là hệ thống máy sấy đảo chiều bởi công nghệ làm khô do luồng không khí nóng trong buồng sấy vận hành đảo chiều làm sản phẩm khô đều mà không cần trở.
Thông thường, máy sấy đảo chiều có các thành phần chính như: Bộ gia nhiệt (có thể là lò đốt than, củi, trấu hoặc bộ gia nhiệt bằng điện); quạt (thường là quạt hướng trục, quạt li tâm nhằm cung cấp lưu lượng và áp cần thiết cho máy sấy vĩ ngang); bộ phận phối gió (đảo chiều gió cho máy) và buồng sấy. Buồng sấy có sàng buồng sấy - vỉ ngang, chứa vật liệu sấy, thường làm bằng tôn hoặc inox được đục lỗ 2 đến 4 mm tùy thuộc vào kích thước nông sản phân bố đều trên mặt vỉ. Vỉ sấy hạt giống có thể làm bằng tre, mê bồ hay vải bạt dệt thông gió. Cấu trúc trên cùng của máy là nắp lò.
Sau khi nhen lửa lò để tạo nhiệt, khí nóng thu được sẽ được pha trộn với khí tươi để đạt nhiệt độ cài đặt. Quạt hướng trục đưa gió nóng mức chuẩn (cho từng mẻ sấy nông sản) vào buồng sấy theo sơ đồ cấu trúc với lưu lượng và tốc độ đã hiệu chỉnh của quạt. Giai đoạn thứ nhất khí nóng được bộ phân phối cấp luồn qua lớp nông sản cần sấy theo chiều từ dưới đáy buồng sấy lên. Nông sản sẽ được làm khô theo chiều dưới lên, khí nóng mang hơi ẩm bốc lên cao và thoát ra ngoài. Giai đoạn thứ hai gió nóng được bộ phân phối cấp theo hướng từ phía trên buồng sấy xuống, gió xuyên qua lớp nông sản cần sấy (đảo chiều). Kết quả sau khi đảo chiều cung cấp gió trong buồng sấy một khoảng thời gian ấn định, nông sản được sấy đến nhiệt độ cần thiết với độ đồng đều cao ở mọi vị trí trong lò, độ ẩm còn lại khoảng 12 - 13% với ngũ cốc.
Minh Thanh