Ứng dụng công nghệ trong sản phẩm mộc trang trí nội thất
Với mục tiêu, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm GTGT cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB phê duyệt đề án nâng cao giá trị hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Theo đó, đối với ngành hàng gỗ, cần cơ cấu lại sản phẩm chế biến gỗ, giảm tối đa xuất khẩu dăm gỗ sang chế biến các sản phẩm phù hợp với quy mô nguyên liệu từng vùng. Trong đó, đến năm 2020 giảm tỷ lệ sản phẩm dăm gỗ, ván bóc từ 22% xuống 6%, gỗ ghép thanh tăng lên 12%; sản phẩm ngoại thất là 25%; ván dăm 7%; MDF 26%; sản phẩm gỗ mỹ nghệ, nội thất là 24%. Khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất ván sợi MDF có công suất từ 120.000 m3/năm trở lên. Đối với những vùng gỗ rừng trồng phân tán: khuyến khích sản xuất ván gỗ dăm, gia công bóng bề mặt và đồ mộc cấp thấp phục vụ nhu cầu trong vùng.
Như vậy, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất sản phẩm ngành hàng gỗ là một nhu cầu thiết thiết, trong đó có sản phẩm mộc trang trí nội thất. Tại tỉnh Bình Dương, các nhà Lãnh đạo cũng đã quan tâm tìm kiếm công nghệ trong sản xuất sản phẩm mộc trang trí nội thất như:
- Nghiên cứu triển khai công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật làm nguyên liệu sử dụng cho sản xuất độ mộc nội thất do TS. Hoàng Xuân Niên làm chủ nhiệm. Đề tài đã nghiên cứu các thông số công nghệ sản xuất ván kỹ thuật có tính năng trang sức từ một số loài gỗ rừng mọc nhanh (xà cừ, cao su, keo lai); xây dựng quy trình công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho một cơ sở sản xuất trong nước, qua đó quảng bá công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất thực tiễn. Kết quả, đề tài đã giải quyết được một phần nhu cầu sử dụng gỗ có vân thớ đẹp của người tiêu dùng, nâng giá trị của một số loại gỗ rừng trồng chất lượng thấp, không vân thớ, giá trị kinh tế thấp thành sản phẩm có giá trị sử dụng, phạm vi sử dụng và giá trị cao hơn nguyên liệu ban đầu.
- Nghiên cứu quá trình biến tính tre khi sấy dùng trong đồ mộc do Tiến sĩ Phạm Ngọc Nam thực hiện. Đề tài đã xây dựng quy trình công nghệ sấy tre nguyên lóng ở nhiệt độ cao (>1000C) nhằm rút ngắn thời gian sấy và nâng cao chất lượng tre sấy cho ba loại tre gồm tre tầm vong, tre gai và lồ ô phục vụ cho sản xuất đồ mộc. Việc nghiên cứu xây dựng quy trình sấy nhiệt độ tre tầm vong, tre gai, tre lồ ô hợp lý đã rút ngắn đáng kể thời gian sấy, giảm tỷ lệ khuyết tật, nâng cao tỷ lệ sử dụng tre trong công nghệ chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giảm áp lực khai thác rừng, góp phần ngăn chặn nguy cơ suy thoái môi trường. Có thể nói, xây dựng quy trình sấy nhiệt độ cao tre tầm vong, tre gai, tre lồ ô hợp lý là cơ hội tốt để thúc đẩy phát triển ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta.
Nghiên cứu một số yếu tố công nghệ phối hợp bèo lục bình và vỏ đậu phộng sản xuất ván sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất đồ mộc và trang trí nội thất do Tiến sĩ Hoàng Xuân Niên thực hiện. Đề tài nghiên cứu sử dụng bèo lục bình làm vật liệu trang trí nội thất và thủ công mỹ nghệ; nghiên cứu sử dụng bèo lục bình, phối hợp bèo lục bình và vỏ đậu phọng (vỏ lạc) sản xuất ván dăm thay thế gỗ dùng đóng bao bì xuất khẩu và vật liệu nội thất. Kết quả, quy trình công nghệ tạo ván dăm từ bèo lục bình và ván dăm bèo lục bình với vỏ đậu phộng có thể ứng dụng để sản xuất văn dăm, phương pháp tạo ván đơn giản. Các tính chất cơ học, vật lý đáp ứng yêu cầu cơ bản của ván dăm dùng trong xây dựng và hàng mộc…
Từ những công nghệ được nghiên cứu và phát triển, ngành hàng gỗ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và có vị thế nhất định trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguyễn Nhi