Ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý nước thải nhiễm mặn
Nước thải nhiễm mặn gồm nhiều loại hình: nước thải sinh hoạt, chăn nuôi hay sản xuất, dịch vụ. Ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải nhiễm mặn là giải pháp hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Nước thải nhiễm mặn là một đối tượng khá đa dạng và phức tạp, nhưng có đặc điểm chung là có nồng độ muối cao, đòi hỏi những công nghệ xử lý đặc biệt. Trên thế giới, trong khoảng 15 trở lại đây cũng đã có những công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề này, nhưng kỹ thuật kỵ khí và nghiên cứu quy mô pilot là những vấn đề ít được đề cập. Riêng ở Việt Nam, những đối tượng nghiên cứu rõ ràng và yêu cầu cấp bách thì lại chưa có công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước nào về công nghệ xử lý nước thải nhiễm mặn được thực hiện trong những năm gần đây.
Nước thải sinh hoạt và chăn nuôi: Thương có trên nhiều đảo hay vùng ven biển, do thiếu nước ngọt, người dân sử dụng nước biển cho sinh hoạt và chăn nuôi. Đối với nước thải sinh hoạt, độ mặn tính theo NaCL dao động từ 3.000-30.000 mg/l, tùy thuộc vào lượng nước sử dụng và tỷ lệ mặn dùng trong vệ sinh. Nước thải chăn nuôi (heo) có COD dao động từ 3.000-30.000 mg/l, tùy thuộc vào lượng nước vệ sinh và tỷ lệ nước mặn sử dụng.
Nước thải công nghiệp nhiễm mặn thường sinh ra từ các nhà máy chế biến hải sản, muối hay sản xuất đồ hộp, rau quả, thuộc da, sản xuất hóa chất… Bên cạnh những chỉ số ô nhiễm đặc thù, loại nước thải này còn có độ mặn cao gần như nước biển từ 10-30g/l NaCL. Theo thông tin từ Thủy sản Việt Nam, diện tích nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam là hơn 685.000 ha, sản lượng hơn 660.000 tấn và có hơn 500 nhà máy chế biến thủy sản trên toàn quốc. Chỉ tính riêng số lượng nước nhiễm mặn thải ra từ những hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản từ nguồn này cũng đã là một con số rất lớn.
Trong môi trường nước thải nhiễm mặn hay nước thải có độ mặn cao, các vi sinh vật mất hoạt tính vì quá trình plasmolysis, làm cho các công nghệ sinh học xử lý nước thải truyền thống không hiệu quả. Do đó, có rất ít phương pháp sử dụng vi sinh vật hiệu quả để xử lý nước thải nhiễm mặn. Tuy nhiên, đây lại là giải pháp hoàn toàn thân thiện với môi trường khi giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, nên trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu nhằm phân lập vi sinh vật và tìm kiếm sơ đồ công nghệ sinh học phù hợp. Vì vậy, Viện Nhiệt đới môi trường - Viện KH&CN quân sự đã thực hiện công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn nhằm phân lập một số chủng vi sinh vật có sẳn tại Việt Nam có khả năng loại bỏ các chất hữu cơ và dinh dưỡng có trong nước thải bị nhiễm mặn, trên cơ sở đó xây dựng và thử nghiệm một số quy trình công nghệ vi sinh có khả năng xử lý nước thải sinh hoạt/chăn nuôi/sản xuất nhiễm mặn một cách hiệu quả.
Công trình nghiên cứu đã đạt kết quả khả quan ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot. Từ đó, nhóm tác giả cũng đã đề xuất áp dụng một sơ đồ công nghệ sinh học kết hợp tổng quát dùng vi sinh vật ưa mặn/chịu mặn để xử lý nước thải hữu cơ nhiễm mặn. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn đề xuất các phương hướng nghiên cứu hoàn thiện công nghệ theo hướng tăng cường khả năng cố định hóa sinh khối ưa mặn/chịu mặn và nghiên cứu quá trình nitrit hóa ở độ mặn rất cao 25 - 30g/l NaCl.
Thúy Vy (Nguồn: cesti)