Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bức phá
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.
Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức về cuộc CMCN lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất. Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước còn hạn chế. Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.
Xuất phát từ tình hình và nguyên nhân trên, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư (Nghị quyết số 52) được ban hành với quan điểm chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội; cuộc CMCN lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội; Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước; Phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc CMCN này.
Sau khi Nghị quyết số 52 được ban hành, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo quan điểm, chủ trương và chính sách của Nghị quyết số 52. Điển hình như vào ngày 02/10/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Ngày 18/10/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT về việc “Phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025”. Đề án được ban hành với mục tiêu chung ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời”.
Trên cơ sở mục tiêu chung, Đề án có 3 mục cụ thể: (1) Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam; (2) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh và (3) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.
Đề án phát triển công nghệ thông y tế thông minh được triển khai sẽ hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời được tư vấn, giúp đỡ chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả. Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý, theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên toàn quốc, tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống bất ngờ như: kiểm soát, khống chế dịch bệnh, chia sẻ phương pháp điều trị mới, đào tạo từ xa, giúp cho hệ thống y tế Việt nam dễ dàng liên thông, hội nhập với thế giới.
Tại Bình Phước, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo quý III/2019 trực tuyến (online) trên phần mềm "họp không giấy" vào chiều ngày 08/10/2019. Đây là một việc làm thiết thực nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết số 52. Đồng chí Trần Tuyết Minh, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đánh giá cao chất lượng Hội nghị và khẳng định sẽ kiên trì, nghiêm túc thực hiện việc họp không giấy, góp phần cải cách hành chính trong Đảng. Các đơn vị khác cần nhanh chóng thích ứng và thực hiện tốt giải pháp này.
Với nỗ lực thực hiện quan điểm “Quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội” của Nghị quyết số 52, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược mở ra một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai doanh nghiệp, tạo ra các cơ hội mới giúp khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh mỗi bên.
Đều là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, cùng phát triển trong những lĩnh vực đang có sự cạnh tranh gay gắt, trong nhiều năm qua, Tập đoàn VNPT và Vietnam Airlines đứng trước thách thức phải không ngừng đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó cũng chính là lý do để Tập đoàn VNPT và Vietnam Airlines cùng nhau ký kết hợp tác chiến lược, khẳng định quan hệ đối tác song hành trong hoạt động kinh doanh, nhằm tận dụng thế mạnh hai bên, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (https://my.vinaphone.com.vn ngày 23/10/2019).
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
2. Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ Y tế về việc “Phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025”;
Ngọc Trang