Việt Nam: Phát triển đô thị thông minh bền vững
Ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg và đặt ra mục tiêu đến năm 2020: Triển khai thực hiện ít nhất 3 thành phố thông minh.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (12/2016), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì và phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng bộ chỉ số để đánh giá các đô thị thông minh; hướng dẫn cho các cấp chính quyền địa phương đảm bảo đầu tư hiệu quả và hiệu lực cho các dự án đô thị thông minh.
Nghị định số 17/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 17/2/2017: Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm hướng dẫn chính quyền địa phương phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và thành phố thông minh.
Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành “Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam (Công văn số 58/BTTTT-KHCN, tháng 01/2018).
Đến ngày 01/08/2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg với:
Mục tiêu đến năm 2020: Xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị: Rà soát, xây dựng khung pháp lý chung; xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh; xây dựng và thí điểm triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, xây dựng hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng trên nền tảng GIS và các cơ sở dữ liệu khác; hỗ trợ tối thiểu 03 đô thị phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh; hỗ trợ tối thiểu 03 khu đô thị mới được đầu tư xây dựng áp dụng thí điểm các giải pháp đô thị thông minh; xây dựng, trình phê duyệt chương trình, dự án ưu tiên thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Đến năm 2025: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật; công bố các tiêu chuẩn quốc gia ưu tiên phục vụ cho việc triển khai xây dựng thí điểm các đô thị thông minh, ưu tiên cho các lĩnh vực quản lý đô thị, chiếu sáng, giao thông, cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, lưới điện, hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai và hệ thống hạ tầng ICT; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng và các dữ liệu khác trên nền GIS tại các đô thị thí điểm giai đoạn 1; thí điểm áp dụng hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch đô thị và hệ thống tra cứu thông tin quy hoạch đô thị tại tối thiểu 3 đô thị từ loại II trở lên; thực hiện các mục tiêu được duyệt của chương trình, dự án ưu tiên thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2030: Hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Tổng kết các cơ chế, chính sách thí điểm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và triển khai áp dụng trên diện rộng; Hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Trong đó có 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phải thực hiện: (1) Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững; (2) Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đô thị thông minh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đô thị thông minh bền vững; (3) Hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia; (4) Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; (5) Phát triển hạ tầng đô thị thông minh; (6) Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị; (7) Xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững; (8) Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước; (9) Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về phát triển đô thị thông minh bền vững; (10) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.
7 nhóm nhiệm vụ được ưu tiên phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam: (1) Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam; (2) Thiết lập, duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh số hóa liên thông đa ngành; (3) Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; (4) Lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh; (5) Lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững; (6) Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và (7) Thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành đô thị thông minh theo các giai đoạn.