Xu hướng đốt chất thải phát điện
Hiện nay, công nghệ đốt chất thải đang được các quốc gia quan tâm vì nó thể hiện được những ưu điểm vượt bậc so với phương pháp chôn lấp trước dây. Không chỉ quan tâm đến công nghệ xử lý chất thải, việc thu hồi năng lượng từ nguồn thải này cũng rất được quan tâm, đặc biệt là việc tận dụng nhiệt thu hồi từ các lò đốt chất thải để tạo ra hơi nước, quay turbine phát điện.
Sự thiêu hủy rác thải đô thị được tồn tại ở Châu Âu từ những năm 1930 nhằm mục đích chính là để làm giảm đi khối lượng và thể tích rác thải. Hiện nay các nhà máy thiêu hủy rác hiện đại có thể giảm 90% khối lượng chất thải rắn, như vậy thời gian sử dụng của bãi chôn lấp chất thải sẽ tăng lên 10 lần.
Tại Mỹ, các lò đốt rác đầu tiên được xây dựng vào năm 1885. Năm 2006, giải thưởng Công nghiệp WTERT được trao tặng lần đầu tiên cho các công ty/tổ chức có đóng góp tích cực nhất cho công nghệ và giải pháp WtE (Waste-to-Energy: chuyển hóa chất thải thành năng lượng). Các tiêu chí được xem xét gồm: lượng năng lượng phục hồi được (kWh điện + kWh nhiệt/tấn chất thải); tỷ lệ bổ sung nhiên liệu “mồi” trên tổng lượng chất thải đầu vào và khả năng tái chế cũng như sự chấp nhận của cộng đồng đối với lượng tro, xỉ sinh ra cuối cùng.
Đối với Nhật Bản, nơi đất đai là một nguồn tài nguyên khan hiếm, đốt chất thải đặc biệt phổ biến. Nhật Bản là nước có tỷ lệ rác thải được xử lý bằng các phương pháp đốt cao nhất thế giới, khoảng 68 triệu tấn/năm với hơn 1200 nhà máy. Riêng lĩnh vực WtE, tính đến năm 2009, nước Nhật có 304 nhà máy với tổng công suất phát điện 1673 MWh/năm.
Tại Singapore, mỗi ngày thải ra khoảng 16.000 tấn rác. Rác ở Singapore được phân loại tại nguồn, vì vậy khoảng 56% khối lượng rác thải ra mỗi ngày (khoảng 9.000 tấn) được quay lại các nhà máy để tái chế. Khoảng 41% (7.000 tấn) được dựa vào 04 nhà máy đốt rác thải phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của ingapore. Cuối cùng, khoảng 1.500 tấn tro cùng với 500 tấn rác không thể đốt được vận chuyển bằng sà lan tới bãi chôn lấp Semakau Landfill…
Xử lý rác thải chủ yếu có 3 phương thức: chôn lấp, ủ phân và đốt phát diện. So sánh ba phương thức, nhận thấy phương pháp đốt thải phát điện vô hại, ưu thế về giảm ô nhiễm môi trường, do đó phương thức này trở thành lựa chọn hàng dầu của các nuớc có nguồn đất đai và năng lượng hạn hẹp. Tại Tây Âu và Nhật Bản, rác thải sinh hoạt đô thị cơ bản được xử lý bằng phương thức đốt. Tại Trung Quốc, phương hướng chủ đạo trong phát triển ngành công nghiệp xử lý rác thải sinh hoạt là chuyển từ chôn lấp sang đốt phát điện.
Ở nước ta, ngoài các chất thải rắn không nguy hại thì chất thải công nghiệp nguy hại phát thải ra một khối lượng tương đối lớn. Theo Báo cáo quản lý chất thải nguy hại của 35/63 tỉnh (năm 2013), chất thải nguy hại phát sinh toàn quốc là 800.000 tấn/năm. Dự kiến khối lượng phát sinh chất thải nguy hại: 1,55 triệu tấn (2015); 2,8 triệu tấn (2020). 39/61 chủ xử lý, chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng cục Môi trường cấp phép thu gom, xử lý được 190.000 tấn (2013). Các doanh nghiệp do địa phương cấp phép thu gom, xử lý ước tính gần 130.000 tấn/năm.
Hiện có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Với 458 bãi chôn lấp chất thải rắn có quy mô trên 1ha chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Từ khoảng năm 2004, khái niệm và dự án WtE bắt đầu được đưa vào Việt Nam. Cho đến nay, đã có một số nhà đầu tư liên hệ với các địa phương để đề xuất thực hiện dự án đốt chất thải phát điện. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án này vẫn còn nằm trên giấy vì nhiều lý do.
Hiện tại, chỉ có một dự án được tiến hành đó là dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại để phát điện tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Công suất thí điểm chỉ 75 tấn/ngày, định mức phát điện 1.930 kW, hoàn thành vào cuối năm 2014.
Ðốt rác phát điện sẽ trở thành xu thế mới tại Việt Nam. Do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, khối lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều, thì chất thải rắn một mặt đang tạo áp lực rất lớn đối với môi truờng và sự phát triển kinh tế xã hội, mặt khác chất thải rắn lại là nguồn tài nguyên tái tạo đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Việc khai thác để biến chất thải rắn trở thành nguồn tài nguyên quý giá cũng trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam, phù hợp với Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn được Chính phủ ban hành.
Ánh Nguyệt (Nguồn CESTI)