Xử lý chất thải y tế tại nguồn: Bảo vệ sức khỏe và môi trường sống
Mỗi ngày ở nước ta có khoảng 300.000 m3 nước thải và 400 tấn rác thải y tế phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh và sinh hoạt của 1.670 bệnh viện và 31.594 phòng khám đa khoa các loại.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ y tế, trong cả nước hiện có 39 bệnh viện tuyến trung ương và 504 bệnh viện tuyến tỉnh thì có hơn 54 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa hoạt động ổn định hoặc chưa có hiệu quả và có 11 bệnh viện hoàn toàn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Số liệu về hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện cho thấy, 88% số bệnh viện có hệ thống xử lý vẫn còn hoạt động tốt, 9,9% số bệnh viện có hệ thống xử lý đã xuống cấp hoặc không hoạt động và 2% số bệnh viện chưa trang bị hệ thống xử lý. Tuy phần lớn các bệnh viện đã có lò đốt để xử lý chất thải rắn, nhưng hầu hết đã xuống cấp, công nghệ xử lý cũ và không được bảo dưỡng định kỳ nên chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn (nồng độ SO2, CO, NOx, bụi tổng, Pb,…) khí thải ra môi trường. Qua đó cho thấy các cấp các ngành đã chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở chưa được đầu tư hệ thống xử ký nước thải hiệu quả, điều đó đã sinh ra nguồn ô nhiễm về nước thải cũng như rác thải y tế.
Theo Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y Tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chất thải y tế là chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường và nước thải y tế. Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Chất thải y tế phải được phân loại, thu gom và xử lý theo quy định.
Với chất thải y tế thông thường, có thành phần và tính chất như chất thải sinh hoạt, chất thải này không chứa các chất độc hại, các tác nhân gây bệnh đối với con người và môi trường, một phần chất thải y tế thông thường có thể tái chế sử dụng lại.
Đối với chất thải y tế nguy hại, phát sinh từ hoạt động y tế có chứa các thành phần gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người và môi trường. Chất thải này có các đặc tính như: có khả năng lây nhiễm; gây độc gen, độc tế bào; có chứa độc chất, hóa chất độc hại; có tính ăn mòn; có tính phóng xạ (đối với cơ sở xạ trị) và sắc nhọn. Khi tiếp xúc với chất thải nguy hại, có thể có nguy cơ bị chấn thương hoặc nhiễm mầm bệnh.
Ngày nay, các bệnh viện được cho là môi trường có nguy cơ rủi ro cho sức khỏe con người. Chất thải y tế có thể gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe con người như: lây bệnh qua đường máu cho nhân viên y tế, đặc biệt là sự cố thương tích do chất thải sắc nhọn. Dạng phơi nhiễm nghề nghiệp phổ biến nhất qua đường máu của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện quản lý chất thải là bị thương do các kim tiêm lây nhiễm.
Quản lý chất thải y tế không đúng quy trình và tiêu hủy không đúng quy định sẽ dẫn đến sự phát tán các vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại,… gây ô nhiễm đất và làm cho việc tái sử dụng bãi chôn lấp gặp khó khăn; gây ra tác động xấu cho môi trường không khí; đối với môi trường nước, nước thải từ các cơ sở y tế còn có thể chứa Salmonella, Coliform, Tụ cầu, Liên cầu, Trực khuẩn Gram âm đa kháng, các hóa chất độc hại, chất hữu cơ, kim loại nặng. Do đó, nếu không được xử lý triệt để trước khi xả thải vào nguồn nước tiếp nhận, đặc biệt đối với nguồn tiếp nhận được sử dụng cho sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ có nguy cơ gây ra một số bệnh như: tiêu chảy, lỵ, tả, thương hàn, viêm gan A,… cho những người sử dụng các nguồn nước này.
Do đó, xử lý rác thải y tế tại nguồn đã trở thành khâu quan trọng để ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, giúp bệnh viện trở thành một môi trường thật sự an toàn, bảo vệ sức khỏe cho con người và hệ sinh thái. Chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo thứ tự ưu tiên sau: Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế; Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm); tự xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.
Tiến Phúc