a. Tên luận văn: Chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan của người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở phòng khám ngoại trú bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương
b. Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Mỹ Diệu
c.Tên cơ quan cử đi học: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương nay là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định điểm chất lượng cuộc sống trung bình của người nhiễm HIV và các yếu tố liên quan đến điểm chất lượng sống trung bình của người nhiễm HIV đang điều trị ngoại trú bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và đại dịch liên quan đến Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) đã gây gánh nặng cho toàn cầu với những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và kinh tế xã hội. Sự ra đời của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) đã thay đổi mạnh mẽ từ một căn bệnh thế kỉ tiến triển nhanh chóng thành một bệnh mãn tính với việc giảm tỷ lệ tử vong, nhiễm trùng cơ hội và thời gian nằm viện. Với phương pháp điều trị thích hợp, người nhiễm HIV giờ đây có thể có tuổi thọ gần như bình thường. Tuy nhiên, những người nhiễm HIV lại có chất lượng cuộc sống những lĩnh vực liên quan đến sức khỏe thấp hơn đáng kể so với dân số nói chung, ngay cả khi phần lớn những người nhiễm HIV có lượng virus dưới ngưỡng phát hiện và ổn định miễn dịch.
Bình Dương đã dần mở rộng được các cơ sở phòng khám ngoại trú (OPC) ở các huyện/thị và chuyển bệnh nhân về các cơ sở điều trị tại địa phương dần san sẻ gánh nặng cho OPC tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, cho đến nay số bệnh nhân điều trị tại cơ sở này vẫn chiếm tỉ lệ nhiều nhất trong tổng số 10 cơ sở ngoại trú tại Bình Dương. Trước tình trạng trên, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Diệu thực hiện nghiên cứu này nhằm xác định được điểm chất lượng cuộc sống trung bình cũng như các yếu tố khác có liên quan đến người nhiễm HIV tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương nhằm xác định điểm chất lượng cuộc sống trung bình của người nhiễm HIV và các yếu tố liên quan đến điểm chất lượng sống trung bình của người nhiễm HIV đang điều trị ngoại trú bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Nghiên cứu chất lượng cuộc sống và các yếu tố liên quan của người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV ở phòng khám ngoại trú bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương được thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2020. Trong quá trình thu thập số liệu, có 3 người do người nhà đến lấy thuốc, 5 người không đồng ý tham gia nghiên cứu, 5 người không hoàn thành được 60% bộ câu hỏi và 3 người không nhớ đúng mã số bệnh nhân của mình dẫn tới không lấy được kết quả từ hồ sơ bệnh án.
Trình độ học vấn tập trung cao nhất ở nhóm cấp 2 với tỉ lệ khoảng 44% và cấp 3 với tỉ lệ 23%; những người đã kết hôn chiếm khoảng 53%, còn lại là độc thân và một số ít đã ly hôn hoặc góa. Những người có thu thập đều đặn chỉ chiếm 58%, số còn lại là thu nhập theo thời vụ và không đều đặn hoặc không có thu nhập sống phụ thuộc vào gia đình. Những người tự cho rằng kinh tế gia đình chỉ đủ sống chiếm tỉ lệ cao nhất 79%, số ít còn lại cảm thấy kinh tế gia đình mình có dư hoặc khó khăn.
Các đối tượng tham gia nghiên cứu có thời gian nhiễm HIV trên 5 năm chiếm số lượng cao hơn so với hai nhóm còn lại với tỉ lệ là 38,8%. Thời gian nhiễm HIV từ 1 năm trở xuống chiếm tỉ lệ thấp nhất với 23,3%. Thời gian điều trị ARV của những người tham gia nghiên cứu phân bố tương đối đồng đều ở các nhóm. Những bệnh nhân đã được điều trị ARV dưới 1 năm chiếm tỉ lệ thấp hơn chiếm 27,2%. Cao nhất là nhóm đối tượng được điều trị ARV từ 2 đến 5 năm chiếm 38%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm số về chất lượng cuộc sống thấp nhất ở câu hỏi được những người quen biết chấp nhận, tiếp đến là cảm giác vui thích tận hưởng cuộc sống hiện tại và hài lòng về ngoại hình của bản thân, có điều kiện để thực hiện những hoạt động vui chơi giải trí lúc rảnh rỗi.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê nào giữa lĩnh vực niềm tin cá nhân với các đặc điểm trong bảng nêu trên. Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa thời gian nhiễm và thời gian điều trị với điểm trung bình quan hệ xã hội. Những sự khác biệt này cũng có ý nghĩa thống kê. Có mối liên quan giữa điểm niềm tin cá nhân với số lượng tế bào CD4 và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Những người có thời gian nhiễm HIV từ 2 - 5 năm có điểm trung bình mức độ độc lập cao hơn 2,0 điểm so với những người có thời gian nhiễm HIV dưới 1 năm với p=0,004 và KTC 95% từ 0,6 - 3,3…
Đó là một trong những kết quả của nghiên cứu. Nhìn chung, những người nhiễm HIV đều có kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh. Các cấp chính quyền nên chú trọng xây dựng và nhân rộng những câu lạc bộ, đội nhóm, cộng đồng người nhiễm HIV, để bản thân những người nhiễm HIV có thể chia sẻ động viên tinh thần và giúp đỡ lẫn nhau, phần nào giúp họ cải thiện được chất lượng cuộc sống.
g. Năm tốt nghiệp: 2020
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).