Chữ viết của dân tộc Chăm xuất hiện khá sớm nhưng đại bộ phận người dân lại thích sáng tác và lưu truyền những câu ca dao, tục ngữ, những câu truyện cổ bằng con đường truyền miệng. Với sự phong phú và đa dạng về thể loại cũng như nội dung. Văn học dân gian Chăm đã góp phần rất lớn vào kho tàng văn học dân gian của cả nước nói chung.
Việc nghiên cứu tục ngữ Chăm trong những năm gần đây tuy được chú ý hơn nhưng chỉ đang dừng lại ở việc sưu tầm, biên soạn các đơn vị tục ngữ. Vì thế, khi chọn đề tài “Đặc điểm tục ngữ Chăm”, tác giả Trần Thị Mỹ Dung mong muốn góp một cái nhìn sáng rõ hơn về tục ngữ Chăm. Tìm hiểu chúng trên các phương diện nội dung, nghệ thuật là hướng đi cần thiết góp phần khai thác vốn văn học dân gian của dân tộc Chăm, làm rõ thêm những đặc sắc của nền văn hóa Chăm.
Mục tiêu luận văn hướng đến giới thiệu diện mạo tục ngữ Chăm (qua tình hình văn bản, thực tế tồn tại trong đời sống, số lượng câu…); nghiên cứu chi tiết về đặc điểm nội dung và nghệ thuật tục ngữ Chăm; trên cơ sở so sánh tục ngữ Chăm và tục ngữ Việt, cố gắng chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt trong chừng mực và điều kiện cho phép; sưu tầm và giới thiệu các đơn vị tục ngữ Chăm (trong khả năng có thể).
Kết quả cho thấy, về dân tộc Chăm và tục ngữ Chăm, trên cơ sở lí luận, những nghiên cứu về tộc người, đặc điểm cư trú, sản xuất, đời sống xã hội và văn hóa xã hội Chăm. Ngoài ra, việc điểm lại các công trình sưu tầm, giới thiệu và nghiên cứu các đơn vị tục ngữ Chăm, cùng với nguồn tư liệu tục ngữ Chăm do tác giả luận văn sưu tầm, giúp tác giả khẳng định sự cần thiết, khoa học trong việc nghiên cứu đề tài
Nội dung của tục ngữ Chăm, người viết tìm hiểu về nội dung tục ngữ Chăm. Nó ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tổng kết kinh nghiệm của nhân dân về đời sống tự nhiên, gia đình, kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng xã hội.
Đặc điểm nghệ thuật của tục ngữ Chăm, tìm hiểu các yếu tố: vần, nhịp, cấu trúc câu, các phương thức xây dựng hình ảnh để góp phần biểu đạt nội dung của tục ngữ Chăm.
Có thể thấy, tục ngữ Chăm đề cập đến những kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống của người Chăm. Một bộ phận khác đề cập về quan hệ gia đình và họ hàng đã phản ánh tập quán của họ. Gia đình mang truyền thống mẫu hệ. Điều đó đã để lại những dấu ấn đậm nét trong tục ngữ của họ. Người Chăm sống đời sống một vợ một chồng; có nhiều câu tục ngữ đề cao lòng yêu nước, bảo vệ xây dựng Tổ quốc, tinh thần cộng đồng dân tộc, đoàn kết thương yêu được đúc rút từ thực tiễn chinh phục thiên nhiên và đấu tranh chống xâm lược trong quá trình lịch sử của dân tộc Chăm…
Nhìn chung, dân tộc nào cũng có nền văn hóa và kho tàng tục ngữ của mình. Dấu ấn văn hóa của một dân tộc in đậm trong tục ngữ của dân tộc đó. Người ta có thể tìm thấy nhiều mặt của đời sống xã hội được phản ánh trong tục ngữ. Tục ngữ Chăm là tấm gương phản ánh đời sống văn hóa của họ. Nó tập trung đầy đủ những phẩm chất của một thể loại văn học bình dân: ngôn từ bình dị, mộc mạc nhưng cũng giàu hình ảnh, giàu chất triết lí…
Luận văn đã nghiên cứu một cách hệ thống về tục ngữ Chăm. Kết quả nghiên cứu sẽ bổ sung cho việc tìm hiểu tục ngữ Chăm ở bình diện nội dung và nghệ thuật. Từ luận văn này, tác giả hy vọng sẽ góp phần bổ sung cũng như thúc đẩy việc sưu tầm, nghiên cứu tục ngữ Chăm vào kho tàng tục ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; cung cấp một phần cứ liệu cho những ai quan tâm nghiên cứu tục ngữ Chăm và muốn vận dụng trong những tình huống giao tiếp nhất định.