a. Tên luận văn: Đánh giá năng lực mô hình hóa trong dạy học bài toán tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số ở lớp 12
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Thị Nhân
c. Tên cơ quan cử đi học: Trường THPT Bến Cát
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh
đ. Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá năng lực mô hình hóa trong dạy học bài toán tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số ở lớp 12
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Đây là luận văn của tác giả Nguyễn Thị Nhân thực hiện vào cuối năm 2019 tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh nhắm đến xây dựng một thang đánh giá NL mô hình hóa, thang này thoạt đầu có thể được xây dựng ở mức độ khái quát. Tuy nhiên, ở cương vị một giáo viên phải đối diện hàng ngày với vấn đề đánh giá, tác giả mong muốn một sự cụ thế hóa của thang khái quá đó cho những nội dung dạy học cụ thể.
Từ thực tiễn, bài toán tìm giá trị nhỏ nhất (GTNN) - giá trị lớn nhất (GTLN) gắn liền với việc giải quyết nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống, trong lao động sản xuất. Bài toán này là mảnh dất khá phong phú để giáo viên có thể thực hiện việc gắn toán học trong nhà trường với cuộc sống ngoài xã hội. Ngoài ra, đặc tính ứng dụng của bài toán tìm GTNN - GTLN cũng được quan tâm, tuy chưa nhiêu, bởi các sách giáo khoa, đây xung là động lực để giáo viên và học sinh quan tâm hơn tới việc dạy và học loại hình bài toán này.
Bên cạnh đó, bài toán tìm GTNN - GTLN thường được đặt trong bối cảnh toán học thuần túy, được trình bày như một ứng dụng đạo hàm và thường xuyên được xét với một hàm số đã cho sẵn bằng công thức. Nếu giáo viên không cố gắng thay đổi ảnh hưởng của sự lựa chọn đó thì có lẽ NL mô hình hóa của học sinh ít được phát triển qua việc nghiên cứu bài toán tìm GTNN - GTLN. Chính vì vậy, tác giả cho rằng việc đưa ra được một cách thức đánh giá NL mô hình hóa trong dạy học bài toán này cũng là một cơ sở để giáo viên nhìn lại thực hanh dạy học của mình.
Trong khuôn khổ của đề tài, tác giả đã tìm hiểu cơ sở lý luận về NL và đánh giá NL nói chung, NL mô hình hóa và đánh giá NL mô hình hóa nói riêng. Và quan trọng là tác giả tìm ra được thang đánh giá cho nghiên cứu của mình. Từ nghiên cứu lý luận cho thấy, đối với các thang đánh giá tiếp cận một phần đa chiều, điểm chung là đều dựa trên mức độ biểu hiện của từng kỹ năng mô hình hóa để đánh giá. Thang đánh giá NL mô hình hóa của Chan Chun Minh Eric và cộng sự (2012) khá chi tiết, phù hợp để đánh giá trong tình huống cụ thể, nhưng chỉ xây dựng đánh giá 3 kỹ năng thành phần. Đối với thang đánh giá theo sách Gaimme (2019), đánh giá được 7 nhóm kỹ năng, khá đầy đủ và chi tiết, có thể sử dụng như thang đánh giá NL mô hình hóa chung cho các chủ đề. Tuy nhiên cũng có những kỹ năng mà tác giả không quan tâm để đánh giá như: kỹ năng “tổ chức và cách viết”.
Tác giả đã tham khảo cả hai thang đánh giá qua kỹ năng này để xây dựng một thang đánh giá chi tiết một số kỹ năng thành phần của NL mô hình hóa trong chủ đề của mình. Phương pháp luận thiết kế thang đánh giá của tác giả được hình thành trên cơ sở lý luận mà tác giả đã nghiên cứu. Nó thể hiện ở nguyên tác đánh giá được tuân thủ, phương pháp đánh giá được lựa chọn và quy trình xây dựng thang đánh giá sẽ thực hiện.
Trong thang đánh giá mà tác giả xây dựng, các mức độ đánh giá các kỹ năng ở hai nhóm NL là NL hiểu các vấn đề thực tế để xây dựng mô hình mô tả vấn đề thực tế và NL phân tích và kiểm tra lại các kết quả thu được còn khá chung chung, giống thang đánh giá cho NL mô hình hóa tổng quát. Vì theo tác giả, bất kỳ quá trình mô hình hóa bài toán nào cũng có các kỹ năng ở hai nhóm NL này. Mặc khác, từ một bài toán thực tế thuần túy, có thể cùng tồn tại nhiều mô hình mô tả khác nhau. Ở bước đầu tiên và bước cuối cùng của quá trình mô hình hóa thi học sinh không cần sử dụng tới những đặc trưng chuyên biệt của tri thức để chuyển đổi mà yếu tố cần nhất là những hiểu biết từ thực tiễn.
Thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả đã thiết kế hai tình huống chứa đựng bài toán thực tế gắn với chủ đề GTNN - GTLN. Kết quả phân tích và đối chiếu kết quả áp dụng thang đánh giá Ludwing và Xu và thang đánh giá chi tiết đã chỉ ra điểm bất cập trong thang đánh giá tổng quát của Ludwing và Xu. Thực nhiệm hai tình huống đó đã minh họa một phần cho tính khả thi của việc sử dụng thang đánh giá chi tiết đã xây dựng để đánh giá năng lực mô hình hóa của học sinh trong chủ đề “Bài toán tìm GTNN - GTLN của hàm số ở lớp 12” và chỉ ra được ưu, khuyết điểm của thang đánh giá.
f. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).