a. Tên luận văn: Đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất giai đoạn 2010 - 2014 và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất tại trường THPT Nguyễn An Ninh, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trương Thanh Trung
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Nguyễn An Ninh
d. Mục tiêu nghiên cứu:
Đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất giai đoạn 2010 – 2014 và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất tại trường THPT Nguyễn An Ninh - thị xã Dĩ An, Bình Dương
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Giáo dục thể chất là một chương, là một môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập, trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường là hoạt động tự nguyện của người học được tổ chức theo phương thức chính khóa, phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người học thực hiện quyền vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu thể dục thể thao.
Phát triển thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, nhằm nâng cao sức khỏe và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của con người. Đồng thời, công tác giáo dục thể chất trong trường học cũng là một trong những phương tiện giáo dục con người toàn diện. Giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh có sức khỏe mà còn rèn luyện cho học sinh tinh thần đoàn kết, sống với tập thể.
Mục tiêu nghiên cứu luận văn nhằm đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất giai đoạn 2010 - 2014 và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất tại trường trung học phổ thông Nguyễn An Ninh, thị xã Dĩ An, Bình Dương
Để đạt được mục tiêu đề ra, luận văn đã thực hiện đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất giai đoạn 2010 - 2014; đề xuất và đánh giá hiệu quả các giải pháp ngắn hạn để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất; tại trường THPT Nguyễn An Ninh, thị xã Dĩ An, Bình Dương.
Thông qua việc phân tích thực trạng và vận dụng phương pháp phân tích SWOT trong công tác giáo dục thể chất, đề tài lựa chọn 04 giải pháp gồm:
- Thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về phong trào thể dục thể thao trong nhà trường, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất cũng như tìm kiếm tài năng thể thao để tham gia thi đấu các giải đem lại thành tích tốt cho nhà trường
- Cải tiến đổi mới nội dung chương trình giáo dục thể chất, giúp học sinh hứng thú hơn với chương trình giáo dục thể chất
- Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và hình thức tổ chức lên lớp giáo dục thể chất, giúp nâng cao thể chất cho học sinh và vẫn đảm bảo nội dung chương trình giảng dạy
- Thực hiện bồi dưỡng nâng cao và kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên thể dục thể thao, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, thực hiện bổ sung giáo viên mới đảm bảo giờ học giáo dục thể chất.
Kết quả cho thấy, sau khi sử dụng các giải pháp số lượng học sinh rất thích và thích luyện thể dục thể thao trong giờ giáo dục thể chất chiếm tỷ lệ gần 50%. Qua đó cho thấy, các giải pháp được sử dụng tại trường THPT Nguyễn An Ninh, thị xã Dĩ An, Bình Dương bước đầu đạt hiệu quả nhất định.
g. Năm tốt nghiệp: 2016
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).