a. Tên luận văn: Đầu tư của Nhật Bản vào Bình Dương giai đoạn 1997 - 2016
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Dương Quỳnh Nga
c. Tên viện, trường thực hiện luận văn: Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Dương
d. Tên đơn vị công tác: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương
đ. Mục tiêu nghiên cứu: Thứ nhất, trình bày bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài; phân tích chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương; Thứ hai, trình bày quá trình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam; phân tích nguyên nhân dẫn đến hoạt động đầu tư của Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Thứ ba, làm rõ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương trong giai đoạn 1997-2016 với những đặc điểm nổi bật về tiến trình và tốc độ, quy mô, địa bàn cũng như lĩnh vực đầu tư; Thứ tư, đánh giá tác động của hoạt động đầu tư Nhật Bản trên các lĩnh vực tại Bình Dương; Thứ năm, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào tỉnh Bình Dương.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nguồn vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2016 có trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Con số này cao hơn hẳn so với đánh giá mà giới kinh doanh Nhật Bản dành cho các nền kinh tế như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và kể cả Trung Quốc. Nhật Bản luôn giữ tốc độ đầu tư cao và ổn định tại Việt Nam. Chính vì thế, Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam phân bố tương đối rộng. Tính đến tháng 7 năm 2015, các doanh nghiệp ở Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có Bình Dương đứng thứ 3 trong việc thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản với 248 dự án với tổng số vốn là 3,85 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng số vốn đầu tư). Trong quá trình đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào những chuyển biến tích cực của Bình Dương trên nhiều lĩnh vực khác nhau và trở thành bộ phận không thể thiếu trong thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài của Tỉnh. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong suốt hai thập niên từ sau ngày tái lập Tỉnh, tác giả Dương Quỳnh Nga đã quyết định chọn đề tài: “Đầu tư của Nhật Bản vào Bình Dương giai đoạn 1997 – 2016”
Đề tài tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách và những biện pháp thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương trong thời kì đổi mới; trình bày quá trình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam; phân tích nguyên nhân và làm rõ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương trong giai đoạn 1997-2016 với những đặc điểm nổi bật về tiến trình và tốc độ, quy mô, địa bàn cũng như lĩnh vực đầu tư; đánh giá tác động của hoạt động đầu tư Nhật Bản trên các lĩnh vực tại Bình Dương; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những hạn chế của việc thu hút doanh nghiệp Nhật Bản của tỉnh Bình Dương.
Lĩnh vực ngành nghề các nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào Bình Dương rất đa dạng và phong phú; không chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp với công nghệ tiên tiến, có hàm lượng kỹ thuật cao mà còn đồng hành kiến tạo không gian đô thị, phát triển thương mại - dịch vụ của Tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất nhiều mặt hàng phong phú như cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, sản xuất linh kiện lắp ráp ô tô, sản xuất thép,… Ngoài ra, còn có các loại hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc, thiết bị y tế,… Trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ, hoạt động đầu tư của Nhật Bản cũng diễn ra khá sôi nổi với các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp như kho vận, tư vấn,…; các dịch vụ phục vụ sinh hoạt cộng đồng như trung tâm thương mại, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe,… cũng được chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã đáp ứng những lời kêu gọi thu hút đầu tư của chính quyền Bình Dương trên lĩnh vực đô thị. Đặc biệt là việc xây dựng khu trung tâm thương mại Aeon, xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu, hiện đại mà điển hình là khu đô thị Tokyu tại Liên hiệp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương được xây dụng dựa trên hình mẫu khu đô thị Tokyu Tama Den-en Toshi tại ngoại ô thành phố Tokyo. Ngoài ra, Nhật Bản còn đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ giao thông công cộng như các chuyến xe buýt hiện đại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại thành phố Thủ Dầu Một.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).