a. Tên luận văn: Quản lý hoạt động bán trú các trường trung học cơ sở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Huỳnh Thị Ngọc Bích
c. Tên đơn vị công tác: Trường THCS Thới Hòa
d. Tên viện - trường thực hiện luận văn: Trường đại học Thủ Dầu Một
e. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu lý luận quản lý hoạt động bán trú của các trường THCS; khảo sát và đánh giá thực trạng quản lý hoạt động bán trú của các trường THCS trên địa bàn thị xã Bến Cát; đề xuất những nhóm biện pháp quản lý hoạt động bán trú của các trường THCS trên địa bàn thị xã Bến Cát
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Hiện nay, các mô hình bán trú được nhân rộng và phát triển hầu hết các tỉnh thành trên khắp cả nước. Các trường học trên địa bàn Tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh thành thực hiện tốt công tác này. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh học sinh trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hóa, góp phần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục
Theo đánh giá, trong những năm gần đây, công tác quản lý học sinh bán trú tại các đơn vị trường học trên điạ bàn thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương được thực hiện khá tốt. Hiện các trường đã có sự phân công phân nhiệm rõ ràng cho các thành viên tham gia quản lý học sinh bán trú. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý hoạt động bán trú tại các trường THCS vẫn còn tồn tại, hạn chế. Với mong muốn làm rõ các vấn đề bất cập trong thực tiễn quản lý góp phần hoàn thiện các biện pháp để quản lý hiệu quả mô hình này, tác giả Huỳnh Thị Ngọc Bích đã chọn đề tài: “Quản lý hoạt động bán trú các trường THCS thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương” làm đề tài luận văn thạc sĩ cho mình.
Trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu và khảo sát thực tế các trường THCS có tổ chức bán trú đã thực hiện tương đối khá tốt về lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý hoạt động bán trú tại các trường THCS vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa thực sự nghiêm túc trong việc siết chặt quản lý giờ giấc đối với học sinh; không phổ biến đến học sinh quyền, nghĩa vụ của các em khi ở bán trú trong trường, dẫn đến nhiều trường hợp học sinh không dám đề nghị nguyện vọng của cá nhân, tập thể lên nhà trường, không dám phản ánh với thầy cô giáo khi phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm của người khác, dấu hiệu bị xâm hại đến bản thân.
Cơ sở vật chất không đảm bảo, các em phải ngủ trên sàn, do không có phòng nghỉ trưa riêng, nhà ăn nhỏ hẹp không đảm bảo số lượng, công tác quản lý định lượng thực phẩm còn nhiều lúng túng, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập, hồ sơ bán trú các trường chưa đồng bộ, việc chi hỗ trợ công tác bán trú cho các bộ phận có liên quan chưa có sự chỉ đạo cụ thể, rõ ràng dẫn đến thiếu sự thống nhất giữa các trường. Để tìm hiểu được những hạn chế nêu trên luận văn đã tiến hành sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý luận và phương pháp nghiên cứu thực tiễn như điều tra bằng phiếu hỏi, phương pháp phỏng vấn, phương pháp thống kê toán học nhằm đưa ra những kết quả đáng tin cậy.
Qua đó, tác giả đề xuất 4 nhóm biện pháp dựa trên nguyên tắc chỉ đạo cụ thể cũng như xuất phát từ nhu cầu thực tế về giáo dục THCS hiện nay: Biện pháp tăng cường công tác quản lý việc thực hiện nội quy, quy chế tự học của học sinh bán trú; quản lý giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động tập thể cho học sinh bán trú; quản lý các nguồn lực đảm bảo cho công tác quản lý học sinh bán trú; quản lý hiệu quả việc đảm bảo định lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh bán trú. Những biện pháp tác giả đề xuất được trưng cầu ý kiến của tất cả CBQL, GV, NV các trường THCS có tổ chức bán trú trên điạ bàn thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Kết quả khảo nghiệm đã chứng minh tính cần thiết và tính khả thi mà tác giả đã đề xuất. Tùy theo điều kiện của từng địa phương mà CBQL có thể áp dụng từng biện pháp cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện có của đơn vị.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).