a. Tên luận văn: Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa DPPH và xây dựng quy trình định lượng acid ganoderic A trong bào tử nấm Linh chi (Ganoderma lucidum spore)
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Phan Thành Trí
c. Tên cơ quan cử đi học: Trung tâm Kiểm nghiệm
d. Tên viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
đ. Mục tiêu nghiên cứu:
- Xây dựng quy trình định lượng acid ganoderic A từ bào tử nấm Linh chi bằng phương pháp HPLC
- Tiêu chuẩn hóa bào tử nấm Linh chi
- Thử nghiệm hoạt tính chống oxy hóa với thuốc thử DPPH của cao chiết từ bào tử nấm Linh chi
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Với thực trạng bào tử nấm linh chi được sử dụng ngày càng nhiều, với mong muốn góp phần vào việc kiểm tra chất lượng cũng như nghiên cứu thêm một số hoạt tính sinh học của cao chiết từ bảo tử, đề tài tiến hành xây dựng quy trình định lượng acid ganoderic A, xây dựng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm bào tử nấm linh chi và khảo sát hoạt tính chống oxy hóa cao chiết từ bào tử.
Tác giả đã triển khai đề tài với mong muốn góp phần vào công tác kiểm tra đánh giá chất lượng và cung cấp thêm những bằng chứng khoa học và hoạt tính sinh học của bào tử. Tác giả tiến hành xây dựng và thẩm định quy trình định lượng GAA trong bào tử nấm linh chi: kiểm tra tính đúng của nguyên liệu, khảo sát phương pháp phá vỡ bào tử, khảo sát điều kiện sắc ký, đề nghị quy trình định lượng GAA trong bào tử nấm linh chi… sau đó tiến hành định lượng GAA trong một số mẫu bào tử nấm linh chi bằng phương pháp vừa được xây dựng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát cột sắc ký cho thấy có sự khác nhau đáng kể về thời gian phân tích giữa các cột sắc ký. Cột Ultra Biphenyl (250 x 4,6 mm; 5 µm) mặc dù có số đĩa lý thuyết lớn nhất tuy nhiên đường nền trong khảo sát này bị dâng rất nhiều. Như vậy chọn cột ZORBAX Eclipse XDD C18 (250 x 4,6 mm; 5 µm) là phù hợp.
Xây dựng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm bào tử nấm linh chi: Tính chất cảm quan, mất khối lượng do làm khô, chất chiết được trong dược liệu, định tính… kết quả của phần ứng dụng quy trình cho thấy hàm lượng GAA trong các mẫu khảo sát có một mẫu bào tử nấm linh chi có hàm lượng rất thấp, điều này khác với công bố của một số công trình nghiên cứu khác. Điều này cho thấy, hàm lượng GAA trong bào tử nấm linh chi có thể còn phụ thuộc vào điều kiện nuôi trồng và thỗ nhưỡng.
Phương pháp được nhóm nghiên cứu áp dụng là phương pháp đo quang với thuốc thử là DPPH và chứng dương là vitamin C. Với kết quả cho thấy cao toàn phần methanol cho hoạt tính chống oxy hóa cao hơn cao toàn phần cồn 96%...
Đề tài đã xây dựng được quy trình định lượng acid ganoderic A và đề xuất được một số chỉ tiêu kiểm nghiệm bào tử nấm linh chi. Kết quả khảo sát hoạt tính chống oxy hóa với thuốc thử DPPH cho thấy phân đoạn cao chiết bằng aceton cho khả năng chống oxy hóa mạnh nhất.
Sau quá trình thực hiện, tác giả cũng đề nghị một số hướng nghiên cứu tiếp như: Khảo sát hàm lượng GAA trong bào tử nấm linh chi trên nhiều mẫu hơn và so sánh với kết quả trên thể quả, nhằm đưa ra mức chất lượng hợp lý để đánh giá chất lượng bào tử nấm linh chi; phân lập các hoạt chất từ các cao toàn phần và cao phân đoạn đã được chứng minh tác dụng sinh học và thử hoạt tính của các phân lập được.
f. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).