a. Tên luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong dạy học hóa học lớp 11 trung học phổ thông
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Mai Thị Yến Dung
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Dầu Tiếng
d. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất các biện pháp phát triển năng lực tự học cho học sinh lớp 11 THPT, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn hóa học trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Tác giả Mai Thị Yến Dung đã thực hiện đề tài với nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất các biện pháp phát triển năng lực tự học cho học sinh lớp 11 THPT, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Hóa học trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần.
Trong các phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng, năng lực tự học thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, khơi dậy nội lực vốn có trong mỗi con người. Kiến thức có được do tự học là kết quả của sự hứng thú, của sự tìm tòi, lựa chọn nên bao giờ cũng vững chắc bền lâu, nhờ vậy mà kết quả học tập cũng tăng lên gấp bội. Vì vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh mặt hoạt động học trong quá trình dạy học, nỗ lực tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động, đặt vấn đề phát triển tự học ngay trong trường phổ thông, không chỉ tự học ở nhà trước và sau bài lên lớp mà còn tự học cả trong tiết học có sự hướng dẫn của giáo viên.
Tự học không phải là vấn đề mới cả về lý luận lẫn thực tiễn dạy học. Tự học có vai trò và tác dụng rất lớn đối với việc học tập. Tuy nhiên chỉ từ khi nước ta bắt đầu đổi mới giáo dục theo hướng hoạt động hóa người học thì vấn đề tự học trong nhà trường mới bắt đầu được đề cập và quan tâm đến. Cho đến nay đã có rất nhiều các đề tài về tự học, năng lực tự học, kỹ năng tự học được các tác giả nghiên cứu ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau và với nhiều đối tượng khác nhau.
Ở nghiên cứu này, tác giả đã hệ thống hóa, làm sáng tỏ một số vấn đề lí luận liên quan đến đề tài bao gồm: khái niệm tự học, năng lực tự học, quá trình dạy tự học, chu trình dạy tự học và các hình thức đánh giá năng lực tự học. Sau đó, tác giả tiến hành đi sâu nghiên cứu, cấu trúc của năng lực tự học. Từ đó đã làm rõ các biểu hiện của năng lực tự học; các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực tự học và cũng đã xây dựng nên 4 nguyên tắc để phát triển, từ đó đề xuất 8 biện pháp phát triển năng lực tự học cho học sinh trong dạy học hóa học lớp 11: Kích thích động cơ tự học; thiết kế và sử dụng tài liệu hỗ trợ tự học; hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch học tập; rèn cho học sinh phương pháp đọc và ghi chép; rèn cho học sinh sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập; giao nhiệm vụ học tập và tổ chức học sinh trình bày, báo cáo kết quả; yêu cầu học sinh tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi thông tin với giáo viên và các bạn qua mạng internet và hướng dẫn, tổ chức học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau…
Kết quả đề tài góp phần làm sáng tỏ và phong phú thêm các vấn đề lí luận về tự học và năng lực tự học. Đồng thời, đề xuất và vận dụng các biện pháp phát triển năng lực tự học cho học sinh vào một số bài học cụ thể trong chương trình hóa học lớp 11 THPT và thiết kế được bộ công cụ đánh giá năng lực tự học của học sinh.
g. Năm tốt nghiệp: 2015
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).