a. Tên luận văn: Sự lưu hành của Mycoplasma Hyopneumoniae và mức kháng thể kháng vi khuẩn này trên đàn heo nuôi công nghiệp
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Phạm Văn Huỳnh
c. Tên cơ quan cử đi học: Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh
đ. Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá sự lưu hành của MH theo các lứa tuổi, đồng thời đánh giá biến động của mức kháng thể chống MH và các yếu tố liên quan đến sự biến động này trên đàn heo nuôi công nghiệp
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Ngành chăn nuôi heo hiện nay phát triển theo hướng nuôi qui mô công nghiệp dần dần thay thế cho mô hình chăn nuôi heo nhỏ lẻ đã tồn tại khá lâu đời ở nước ta. Sự phát triển về số lượng heo trong nuôi công nghiệp đã giúp cho người dân thu được số lượng thịt heo lớn, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao ở trong nước và xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn. Nhưng chăn nuôi heo công nghiệp cũng có những rủi ro khi mà giá cả đầu ra bấp bênh, lên xuống thường xuyên. Đặc biệt là sự xuất hiện của dịch bệnh với mức độ ảnh hưởng lớn, lan tràn mạnh hiện nay như bệnh dịch tả heo Châu Phi, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp, bệnh lở mồm long móng, …
Trong đó, bệnh viêm phổi địa phương hay còn gọi là bệnh suyễn heo do Mycoplasma hyopneumoniae (MH) là một bệnh về hô hấp được cho là phổ biến hầu hết trên các trại nuôi heo công nghiệp tại các nước khác. Do đó, nhằm đánh giá sự lưu hành của MH theo các lứa tuổi, đồng thời đánh giá biến động của mức kháng thể chống MH và các yếu tố liên quan đến sự biến động này trên đàn heo nuôi công nghiệp, tác giả Phạm Văn Huỳnh đã nghiên cứu về chủ đề này cho luận văn của mình.
Bệnh viêm phổi địa phương là bệnh rất phổ biến trong chăn nuôi heo công nghiệp và rất khó kiểm soát. Nghiên cứu được tiến hành trên 10 trại heo công nghiệp với tổng số 827 mẫu máu và 409 mẫu swab hoặc nhai dây trên heo các lứa tuổi bao gồm: nái đẻ, nái hậu bị, heo con theo mẹ, heo cai sữa, heo thịt được phân tích để xác định tỉ lệ lưu hành vi khuẩn MH (dựa theo PCR và kháng thể).
Kết quả cho thấy, tất cả các trại nuôi heo công nghiệp đều có vấn đề với MH. MH lưu hành ở tất cả các loại heo và không có sự khác biệt về tỉ lệ lưu hành theo các lứa tuổi heo trong trại. Sự bài xuất mầm bệnh ổn định trên heo trưởng thành. Không có sự khác biệt về tỉ lệ lưu hành vi khuẩn MH của các trại với nhau. Tỉ lệ nhiễm MH dựa theo kết quả PCR trên heo con theo mẹ dao động từ 10% - 40%, tỉ lệ trên heo thịt là 41%. Tỉ lệ nhiễm MH trên heo hậu bị là 28% trong khi tỉ lệ này trên heo nái từ 0 – 3 tuần sau đẻ dao động trong khoảng từ 20% - 40%. Tỉ lệ dương tính kháng thể MH trên nái hậu bị lên đến 88% cao hơn trên nái đẻ là 63%.
Kháng thể trên heo con sẽ giảm dần theo tuần tuổi, thấp nhất ở 8-10 tuần tuổi và tăng dần đến 25 tuần tuổi. Có sự tương quan chặt chẽ giữa kháng thể mẹ và kháng thể con tương ứng trong giai đoạn theo mẹ từ 0 đến 3 tuần tuổi. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thêm những hiểu biết về sự hiện diện của MH trong các đàn heo công nghiệp, từ đó có hướng giải quyết bệnh hiệu quả hơn.
Để phát triển đề tài, tác giả đề nghị cần làm thêm các nghiên cứu khác với qui mô lớn hơn, số mẫu lớn hơn để có thể có mức tin cậy cao hơn. Có thể làm thêm nghiên cứu cá thể để theo dõi mức kháng thể và sự bài xuất mầm bệnh của các cá thể heo trong suốt quá trình phát triển.
f. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).