a. Tên luận văn: Thiết kế và sử dụng học liệu điện tử trong dạy học phần hóa học phi kim lớp 10 theo mô hình lớp học đảo ngược nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh trung học phổ thông
b. Họ và tên cá nhân: Mai Xuân Đào
c. Tên cơ quan cử đi học: trường trung học phổ thông Thái Hòa
d. Tên Viện - trường thực hiện luận văn: trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
e. Mục tiêu nghiên cứu:
- Thiết kế và sử dụng học liệu điện tử trong tổ chức dạy học phần hóa học phi kim lớp 10 theo mô hình LHĐN nhằm phát triển NLTH cho HS.
f. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Trong những năm gần đây việc đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta đã được áp dụng trên diện rộng từ bậc mầm non cho đến bậc đại học. Tuy nhiên, tính hiệu quả, sự đồng bộ của đổi mới phương pháp dạy học như mong muốn vẫn còn hạn chế, những khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong thực hiện và đầy thách thức.
Trong các môn học ở trường phổ thông, Hóa học là một môn học vừa lý thuyết vừa thực nghiệm, có nhiều ứng dụng thực tiễn gắn liền đời sống và luôn có những kiến thức cần cập nhật cho nên việc GV tìm các biện pháp tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa người học, phát huy khả năng tìm tòi khám phá, tính sáng tạo, dần phát triển năng lực tự học tiềm ẩn vốn có ở người học là vấn đề cấp thiết trong đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn, tác giả Mai Xuân Đào đã chọn đề tài “Thiết kế và sử dụng học liệu điện tử trong dạy học phần hóa học phi kim lớp 10 theo mô hình lớp học đảo ngược nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh trung học phổ thông” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ của mình.
Tác giả đã tiến hành khảo sát thực trạng cả giáo viên và học sinh về việc phát triển năng lực tực học của học sinh và việc sử dụng mô hình lớp học đảo ngược ở một số trường phổ thông ở tỉnh Bình Dương. Qua khảo sát cho thấy năng lực tự học của học sinh còn rất hạn chế, cần có biện pháp để rèn luyện và phát triển năng lực tự học cho học sinh. Và cũng qua cuộc khảo sát này, cho thấy mô hình lớp học đảo ngược rất ít được quan tâm biết đến và áp dụng ở các trường phổ thông tỉnh Bình Dương hiện nay. Mặt khác, việc áp dụng mô hình này đòi hỏi giáo viên phải đầu tư công sức và thời gian rất nhiều trong quá trình soạn giảng.
Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất biện pháp tác động nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh THPT trong dạy học chương Oxi - Lưu huỳnh Hóa học 10, là thiết kế học liệu điện tử theo mô hình lớp học đảo ngược nhằm tạo nguồn tài liệu học tập phong phú, đa dạng, đáng tin cậy, kích thích động cơ học tập và hứng thú cho học sinh theo một phương pháp học tập hoàn toàn ngược lại với phương pháp truyền thống.
g. Năm tốt nghiệp: 2020