Do vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra của nền giáo dục, cần phải đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động học tập của HS, trong đó có hình thức dạy học ngoại khóa.
Dạy học ngoại khóa là một hình thức dạy học mang lại hiệu quả cao nhưng hiện nay chưa được chú trọng ở các trường phổ thông nước ta. Dạy học ngoại khóa không những giúp HS củng cố các kiến thức đã học ở nội khoá mà còn giúp đào sâu, mở rộng kiến thức, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh. Đây là những điều mà nội khoá làm chưa tốt do điều kiện thời gian, phương tiện dạy học hay do sức ép thi cử.
Với mong muốn góp phần vào việc nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học vật lí ở trường trung học phổ thông, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Thạch chọn nghiên cứu đề tài: “Tổ chức hoạt động ngoại khóa về một số thiết bị điện xoay chiều - Vật lí lớp 12 THPT”.
Mục tiêu của luận văn nhăm nghiên cứu tổ chức hoạt động ngoại khóa tìm hiểu, chế tạo dụng cụ thí nghiệm về một số thiết bị điện xoay chiều trong dạy học chương “Dòng điện xoay chiều) nhằm nâng cao tính tích cực, phát triển năng lực sáng tạo của HS.
Thông qua việc nghiên cứu những cơ sở lí luận và dạy học các ứng dụng kĩ thuật Vật lí, tác giả thấy được vai trò, tác dụng của hoạt động ngoại khóa và dạy học các ứng dụng kĩ thuật Vật lí trong việc phát huy tính tích cực và năng lực sáng tạo của HS:
- Ứng dụng kĩ thuật Vật lí là cầu nối giữa lí thuyết và thực tiễn, là minh họa sống động cho những phần lý thuyết khô cứng mà học sinh đã học
- Giúp học sinh củng cố và mở rộng kiến thức đã học trong giờ chính khóa. Các kiến thức mà học sinh thu nhập thông qua hoạt động ngoại khóa thường sâu sắc hơn và khắc sâu hơn vì đó là kiến thức của chính học sinh; giúp học sinh tăng sự chú ý, kích thích hứng thú học tập bộ môn Vật lí.
- Ngoài việc giúp học sinh rèn luyện tư duy, tính tích cực, năng lực sáng tạo, hoạt động ngoại khóa còn góp phần đáng kể vào việc hình thành các kĩ năng sống cho học sinh khi họ tham gia vào các hoạt động (kĩ năng giao tiếp, ngôn ngữ, kĩ năng quản lí, kĩ năng xử lí thông tin...). Ngoài ra, khi tham gia hoạt động ngoại khóa, học sinh thường xuyên tiếp xúc với các nguồn thông tin bên ngoài SGK, làm quen với việc khả năng khai thác, xử lí thông tin từ nhiều nguồn. Điều này mở ra một cánh cửa học tập mới cho học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu và học tập đến suốt đời.
Từ những lí luận về hoạt động ngoại khóa ở trường phổ thông, lí luận dạy học ứng dụng kĩ thuật, cũng như xuất phát từ yêu cầu của chương trình Vật lí 12 chương “Dòng điện xoay chiều”, căn cứ vào tình hình thực tế của trường THPT Bến Cát, tác giả đã thiết kế tiến trình hoạt động ngoại khóa về một số thiết bị điện xoay chiều - Vật lí 12 THPT nhằm nâng cao tính tích cực và năng lực sáng tạo của học sinh.
Thực tế giảng dạy cho thấy học sinh có thái độ thờ ơ với môn Vật lí bởi vì các em không nhìn thấy được những ứng dụng thú vị của Vật lí trong đời sống cũng như trong sản xuất. Điều này một phần là do các em không có thói quen vận dụng các kiến thức đã học vào việc giải thích các hiện tượng, các ứng dụng liên quan.
Nói cách khác, khi các em thụ động trong việc tiếp thu kiến thức sẽ khiến các em nhàm chán, chóng quên làm cho giờ học trở nên nặng nề, kiến thức tiếp thu hạn chế hoặc chóng quên. Ngược lại, nếu các em có thể hoàn toàn chủ động tiếp thu các kiến thức Vật lí, theo nhu cầu tìm hiểu của bản thân, các em sẽ dễ dàng lĩnh hội các tri thức này, biến chúng thành tri thức của mình, khắc sâu trong não bộ, đồng thời sẽ cảm thấy hào hứng, say mê hơn đối với môn Vật lí nói chung, các ứng dụng kĩ thuật của Vật lí nói riêng.
Từ những nhận định trên, tác giả thấy hoạt động ngoại khóa là cách tốt nhất đưa các em đến với kiến thức Vật lí hoàn toàn chủ động, đồng thời góp phần nâng cao tính tích cực, phát triển năng lực sáng tạo cho các em học sinh - những người chủ tương lai của đất nước.