a. Tên luận văn: Tỷ lệ tật cận thị học đường, sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT và các yếu tố liên quan tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trần Bích Trâm
c. Tên cơ quan cử đi học: Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Dương nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương
d. Tên viện - trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
đ. Mục tiêu nghiên cứu:
- Mục tiêu tổng quát: Xác định tỷ lệ tật cận thị học đường, sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT và các yếu tố liên quan tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Xác định tỷ lệ cận thị ở học sinh THPT tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018
+ Xác định tỷ lệ học sinh THPT tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018 sử dụng MXH
+ Xác định mối liên quan giữa cận thị với sử dụng MXH và các yếu tố liên quan
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Đây là luận văn của tác giả Trần Bích Trâm thực hiện tại Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019 với phạm vi nghiên cứu là học sinh khối 10 và khối 11 đang học tại Trường THPT Trung Phú huyện Củ Chi.
Ngày nay, mạng xã hội trở thành phương tiện hữu ích cho giới trẻ tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi những cái mới, tạo mối quan hệ mới hay tạo môi trường giải trí cho riêng mình. Đặc biệt với học sinh THPT, lứa tuổi mà khả năng tiếp cận được nhiều thông tin mới nhất, những cũng dễ mất kiểm soát khi đam mê một lĩnh vực nào đó trên mạng xã hội, điều này dễ mắc các bệnh tật học đường, trong đó có cận thị.
Bệnh học đường là những bệnh mà học sinh mắc phải mà nguy cơ phát sinh bệnh có liên quan đến những yếu tố học được. Các bệnh tật thường gặp ở lứa tuổi học đường bao gồm cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, bệnh giun sán, bệnh tiêu chảy cấp, bệnh đau mắt đỏ và thường gặp nhất đó là cận thị.
Theo thống kê, hơn 72,5% thanh thiếu niên Mỹ không nhận thức được những mối nguy hiểm khi mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng màn hình thiết bị. Tại Việt Nam, chỉ 40,7% học sinh sử dụng mạng internet có hành vi đúng trong phòng chống cận thị (một nghiên cứu vào năm 2018). Từ đó có thể thấy ý thức bảo vệ mắt khi tiếp cận thường xuyên với các thiết bị điện tử kết nối mạng của thanh thiếu niên trong và ngoài nước chưa cao.
Trong khi đó, với phương pháp dạy - học hiện đại tại các trường THPT luôn khuyến khích học sinh sử dụng internet trong học tập và giải trí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực của các em. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài này cũng góp phần phối hợp với nhà trường thiết kế các giải pháp ngăn ngừa cũng như làm giảm tác hại không lành mạnh của mạng xã hội đối với mắt của các em học sinh tại trường.
Với nghiên cứu này, tác giả thực hiện trên 520 học sinh thuộc khối 10 và khối 11. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng mạng xã hội là 80,96%; tỷ lệ cận thị ở học sinh tại trường là 47,69%. Kết quả cũng cho thấy, có mối quan hệ giữa sử dụng mạng xã hội với các yếu tố như người thân sống chung, nhà ở, sắp xếp thời gian bảo vệ mắt, quản lý tốt thời gian sử dụng mạng xã hội; có mối liên quan giữa cận thị với các yếu tố như BMI, nơi khám và tiền sử gia đình có người bị cận. Tuy nhiên, không có mối liên quan giữa cận thị với sử dụng mạng xã hội của học tại trường.
Từ kết quả nghiên cứu, tác giả nhận thấy nhà trường cần có những giải pháp tuyên truyền những tác hại do việc lạm dụng mạng xã hội có thể mang lại nhằm nâng cao ý thức dự phòng cận thị ở học sinh, vì đây là một vấn đề của xã hội hiện nay. Đồng thời, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động mang tính thi đua hoặc trường kỳ hơn để các học sinh liên tục phấn đấu, chẳng hạn như chơi thể thao tích lũy điểm hoặc tổ chức các cuộc thi nhảy dân vũ giữa các lớp.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những kiến nghị thiết thực đối với gia đình trong việc định hướng cho con em sử dụng mạng xã hội cũng như cũng như vấn đề tự giác sử dụng mạng xã hội vào những việc có ích, phục vụ cho mục đích học tập của học sinh.
f. Năm tốt nghiệp: 2019
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).