a. Tên luận văn: Vấn đề phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương hiện nay
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Phan Văn Bằng
c. Tên đơn vị công tác: Trường Chính trị tỉnh Bình Dương
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Hiện nay nước ta đang bước vào giai đoạn mới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 được xác định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là: “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thực chất là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, từng bước hội nhập, tạo tiền đề kinh tế - xã hội để đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị tại đại hội IX của Đảng chỉ rõ “Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt”.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua 30 năm đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn thay đổi từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trở thành một tỉnh có ngành công nghiệp cơ bản hiện đại trong cả nước. Cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì việc phát triển đô thị nhằm phục vụ cho công nghiệp là vấn đề mà tỉnh ưu tiên hàng đầu. Chú trọng công tác xây dựng quy hoạch làm kim chỉ nam phát triển, tỉnh đã triển khai lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hàng đầu là cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Bên cạnh đó, tỉnh đã mạnh dạn thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài có uy tín để lập quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để có cơ sở đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Để thực hiện được những mục tiêu trên tỉnh Bình Dương cần tập trung phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ. Do đó, tác giả thực hiện đề tài “Vấn đề phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương hiện nay”.
Phát triển đồng bộ các yếu tố của lực lượng sản xuất có vai trò hết sức quan trọng đối với Bình Dương hiện nay. Chỉ có trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất mới giải quyết được vấn đề xác lập được quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất đã được xã hội hóa, chuyên môn hóa, phân công lao động triệt để. Một khi lực lượng sản xuất còn lạc hậu, chưa phát triển thì quan hệ sản xuất mới dù đã được xác lập (thường thì việc xác lập này là do kiến trúc thượng tầng chính trị, qua mệnh lệnh hành chính) nhưng vẫn còn non yếu, mang tính hình thức thì rất khó để thúc đẩy kinh tế - xã hội của Bình Dương phát triển.
Hiện nay, Bình Dương cũng đã ban hành chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng cho yêu cầu phát triển của tỉnh nhà. Việc thu hút người tài, người có trình độ cao với những học vị, học hàm được tỉnh cụ thể hóa với các chế độ phụ cấp, thu nhập, mức lương. Để đáp ứng yêu cầu phát triển có trọng tâm, có chiến lược, tỉnh Bình Dương đã kết hợp chủ trương đãi ngộ nhân tài về công tác tại tỉnh và khuyến khích việc bồi dưỡng và đào tạo nhân tài từ nguồn nhân lực của tỉnh nhà. Những chủ trương và chính sách của Bình Dương nêu trên đã có sự tác động mạnh mẽ tới sự phát triển lực lượng sản xuất của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực tiễn đổi mới ở nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng đã chứng minh rằng, con người với những phẩm chất và năng lực của mình giữ vai trò quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh cũng không phải là cái nhất thành bất biến, mà hoàn cảnh cũng bị biến đổi bởi chính những hoạt động của con người. Do đó, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương không thể thành công nếu chúng ta không tạo được môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của con người, mà trong đó giáo dục và đào tạo là yếu tố cơ bản nhất không thể thiếu để phát huy năng lực sáng tạo đó. Là phương thức quan trọng nhất để phát huy nhân tố con người trong lực lượng sản xuất, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương hiện nay .
Trên cơ sở phân tích lý luận, thực trạng vấn đề phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương hiện nay, luận văn đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương hiện nay:
- Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, tăng cường năng lực quản lý Ủy ban nhân dân đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Bình Dương: Từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã tích cực chủ động trong lãnh đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội để xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân. Với những thành quả như vậy một phần phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, sự quản lý, tổ chức có hiệu quả của Ủy ban nhân dân các cấp. Hiện nay, Đảng bộ và chính quyền tỉnh vẫn phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của mình, vận dụng đúng đắn, sang tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh để đưa lực lượng sản xuất ở Bình Dương phát triển.
- Hoàn thiện chủ trương, chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và các nguồn lực khác nhằm phát triển lực lượng sản xuất phù hợp với đặc thù tỉnh Bình Dương: Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi cũng như những tiềm năng và nguồn lực khác để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, việc thu hút các nguồn lực nhằm phát triển sản xuất kinh doanh ở Bình Dương bước đầu đã cho thấy sự hiệu quả, nhưng vẫn còn không ít những hạn chế. Để thu hút hiệu quả hơn nữa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội thì các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Dương cần vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội Bình Dương phát triển.
- Tập trung việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Con người là nhân tố hàng đầu của lực lượng sản xuất, muốn phát triển lực lượng sản xuất trước hết phải tác động đến các yếu tố quyết định hoạt động của người lao động. Đảng ta đã xác định: “lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”. Tuy nhiên, phát huy nguồn nhân lực không chỉ dừng lại ở chỗ tận dụng ưu thế về số lượng mà còn phải chú trọng chất lượng của nó.
- Phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao khả năng ứng dụng kỹ thuật mới vào phát triển lực lượng sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Dương: Nhận thức được vai trò to lớn của khoa học – công nghệ, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ. Tỉnh đã triển khai và thực hiện có hiệu quả phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ khoa học - công nghệ giai đoạn 2011 - 2015.
- Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Hệ thống hạ tầng cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, muốn thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 Bình Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp thì cần phải phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; Tập trung nâng cấp các tuyến đường quốc gia trên địa bàn tỉnh, đầu tư các tuyến đường đô thị, kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, với các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn; từng bước ngầm hóa hệ thống điện trung, hạ thế khu vực đô thị tập trung phía Nam; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, giáo dục và y tế…
Phát triển lực lượng sản xuất là vấn đề quan trọng, là nhân tố có ý nghĩa quyết định để phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vật chất, kỹ thuật cho bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lực lượng sản xuất mang tính khách quan, xét đến cùng nó có vai trò quyết định sự vận động, phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử. Vì vậy, việc tổng kết thực tiễn, vận dụng lý luận về lực lượng sản xuất vào thực tiễn, rút ra những phương hướng, giải pháp để phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Sau gần 30 năm đổi mới, cơ sở vật chất kỹ thuật của tỉnh Bình Dương đã được xây dựng và đang phát huy hiệu quả. Kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, bao gồm mạng lưới giao thông đô thị và nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, trạm phát thanh truyền hình, các công trình phúc lợi công cộng đã và đang phát huy tác dụng, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lực lượng sản xuất ở Bình Dương ở nhiều trình độ khác nhau, vận động với nhịp độ khá nhanh nhưng còn nhiều mặt hạn chế cả mặt số lượng lẫn chất lượng, phát triển không đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố, giữa thành thị và nông thôn, giữa các ngành và các thành phần kinh tế. Các nhân tố cấu thành lực lượng sản xuất của tỉnh ở một góc độ nào đó chưa đáp ứng được yêu cầu cao của công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa, để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Trong điều kiện toàn cầu hoá đang diễn ra một cách nhanh chóng, thì việc phát triển lực lượng sản xuất ở Bình Dương càng có nhiều điều kiện để đi tắt, đón đầu những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại nhằm trang bị những yếu tố cần thiết để nhanh chóng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Để làm được điều này thì giải pháp trọng tâm của tỉnh là phải phát triển con người; cố gắng đào tạo ra những con người đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Đồng thời phải có những đầu tư lớn vào khoa học - công nghệ để đưa tỉnh thoát khỏi sự tụt hậu so với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế, tạo ra sự phát triển ổn định và bền vững. Khoa học - công nghệ phải tập trung vào các khâu: xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; cải tiến công cụ lao động; tận dụng, khai thác và phát triển đối tượng lao động theo những tiềm năng thế mạnh của từng tiểu vùng; hạn chế những rào cản đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất như: điều kiện tự nhiên phức tạp, các yếu tố giao thông - vận tải, thủy lợi, điện sinh hoạt và sản xuất, v.v... còn thấp kém, lạc hậu.
Từ thực trạng lực lượng sản xuất của tỉnh Bình Dương đòi hỏi phải tìm ra phương thức phát triển lực lượng sản xuất sao cho tối ưu trên cơ sở điều chỉnh, đổi mới quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất ngày càng phát triển. Phấn đấu trước năm 2020 Bình Dương trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công nghiệp, đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
g. Năm tốt nghiệp: 2016
(Có thể tìm đọc toàn văn luận văn tại trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN)