a. Tên luận văn: Vận dụng - phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam trong sáng tác điêu khắc hiện đại
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Võ Thị Kim Hương
c. Tên đơn vị công tác: Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Ngày nay trong thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế toàn cầu đang diễn ra một cách nhanh chóng, bên cạnh sự giao lưu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, sự giao lưu văn hóa nghệ thuật cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Do đó nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc luôn có thể xảy ra trước sự du nhập quá nhiều trào lưu, xu hướng nghệ thuật thế giới (cả tích cực lẫn tiêu cực) vào nước ta. Vì vậy, việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, trong đó có nghệ thuật tạo hình điêu khắc cổ.
Giá trị nhân văn của nghệ thuật tạo hình điêu khắc cổ Việt Nam không chối cãi được là nơi phản ánh trung thực sắc thái tình cảm trong đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa - tinh thần người dân qua các thời kì lịch sử. Những tác phẩm nghệ thuật ấy thể hiện một triết lý sâu sắc về tâm hồn, khí phách con người Việt Nam, không chỉ góp phần viết lên những trang sử oai hùng của dân tộc mà còn để lại cho chúng ta một di sản văn hóa quý, độc đáo của người Việt Nam.
Việc vận dụng và khai thác ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình điêu khắc cổ Việt Nam trong điêu khắc hiện đại, sẽ góp một phần tiếng nói để giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, đối với tác giả luận văn, đã từng là sinh viên mỹ thuật, từ những ngày đầu được nghiên cứu, ghi chép vốn cổ của nền nghệ thuật truyền thống dân tộc, đã tạo ra những ấn tượng khó phai trong ký ức và có tác động không nhỏ đến tâm lý sáng tác, quan niệm tạo hình của tác giả.
Mục tiêu của đề tài là dựa trên nền tảng phân tích và đánh giá nêu bật những giá trị văn hóa nghệ thuật của nền điêu khắc cổ Việt Nam, bảo tồn và phát huy nghệ thuật điêu khắc cổ đặc trưng của dân tộc trong sáng tác hiện đại. Từ đó góp thêm một cái nhìn đánh giá, nhận xét giá trị của tác phẩm điêu khắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Qua đó tác giả phân tích các sáng tác thực nghiệm của bản thân để chứng minh cho sự vận dụng các giá trị tạo hình của nền điêu khắc cổ Việt Nam vào thực tế.
Sử dụng phương pháp phân tích mỹ thuật học, thông qua phương pháp nghiên cứu, tiếp cận liên ngành: lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc. Từ quá trình khảo sát, nghiên cứu cùng các tài liệu thu thập được qua đó tác giả đã sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh để giải quyết các vấn đề để tiến hành hệ thống và đánh giá những giá trị nghệ thuật các yếu tố điêu khắc cổ biểu hiện trên các tác phẩm điêu khắc hiện đại ở Việt Nam, đồng thời rút ra những ý tưởng cho sáng tác của bản thân.
Qua đó cho thấy, Giá trị nhân văn của nghệ thuật tạo hình điêu khắc cổ Việt Nam không chối cãi được là chỗ phản ánh trung thực sắc thái tinh thần, thể hiện những nhu cầu sống, những khát vọng, ước mơ về một cuộc sống no đủ, lạc thú, hạnh phúc và thanh bình của những người nông dân chất phác mộc mạc, yêu đời qua các thời kỳ, triều đại. Việt Nam là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, nhưng bản chất trọng tình cảm đã khiến trong các tác phẩm điêu khắc của những người nghệ sĩ - nông dân hầu như không có đề tài chiến tranh, chủ yếu là những đề tài ca ngợi tình cảm đằm thắm của con người với con người, con người với thiên nhiên, muông thú, như: cảnh trai gái vui đùa, tắm đầm sen, đấu vật... Không chỉ tình cảm của con người mà tình cảm của con vật cũng được biểu hiện sinh động mạnh mẽ. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật mang một giá trị triết lý sâu sắc về con người và thiên nhiên tạo nên tính trữ tình và biểu cảm tràn ngập trong các tác phẩm điêu khắc cổ mang tính nhân văn, mà cha ông đã để lại cho con cháu một di sản văn hóa giàu, quý, độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của ngƣời Việt.
Các nghệ nhân vô danh làm việc trong các phường hội được xem là thợ nặn, thợ tạc tượng. Trải qua mấy ngàn năm đấu tranh, lao động và sáng tạo với một vốn sống và kiến thức sâu sắc, tay nghề kỹ thuật vững vàng, đã đánh dấu và khẳng định nghệ thuật tạo hình điêu khắc cổ Việt Nam. Họ đã để lại cho chúng ta một một di sản nghệ thuật vô giá niềm tự hào của người Việt Nam. Những tác phẩm điêu khắc cổ Việt Nam không chỉ mang hai yếu tố thẩm mỹ và tâm linh, mà nó còn đem lại cho hậu thế những thông điệp có giá trị giáo dục con người biết sống và chân trọng cái đẹp: chân - thiện - mỹ, những giá trị chân thực về cuộc sống của các dân tộc Việt Nam. Qua các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam đã truyền lại cho chúng ta những bài học về sự tiếp thu và phát triển nghệ thuật điêu khắc truyền thống dân tộc vẻ vang của cha ông ta, đã tạo ra một tiền đề cho các nhà điêu khắc thế hệ sau học tập và tiếp biến, đồng thời bộc lộ cách nghĩ, cách thể hiện hình khối, nhằm tạo nên dòng chảy của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam không ngừng nghỉ, mang đậm tính dân tộc và hiện đại.
Việc vận dụng giá trị nghệ thuật tạo hình điêu khắc cổ trong một số tác phẩm tiêu biểu có thể khẳng định, nghệ thuật điêu khắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại là một quá trình đấu tranh sinh tồn không mệt mỏi để vươn lên cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trong quá trình giao lưu tiếp biến, nghệ thuật Việt Nam nói chung và điêu khắc Việt Nam nói riêng đã chịu ảnh hưởng nhiều nguồn nghệ thuật khác nhau của thế giới từ phương Đông như Ấn Độ, Trung Hoa đến nghệ thuật hàn lâm, hiện đại Âu - Mỹ. Nhưng đa số các tác phẩm điêu khắc Việt Nam ở mọi thời đại vẫn giữ được những âm sắc riêng của dân tộc mang vóc dáng, tâm hồn con người Việt Nam.
Nhìn chung nền tảng những giá trị nghệ thuật của dân tộc là ý thức sáng tạo cho mọi thế hệ sau phát triển, việc khai thác và học tập những giá trị tạo hình dựa trên cấu trúc đặc trưng của vốn có của dân tộc kết hợp những tinh hoa nghệ thuật hiện đại thế giới là một tiền đề trong tư duy sáng tạo nghệ thuật của các nhà điêu khắc trong nội dung và hình thức đã tạo ra những giá trị của nghệ thuật dân tộc. Sự kế thừa truyền thống là việc làm cần thiết của giới văn nghệ sĩ, nhưng không thể sao chép một cách máy móc mà phải phát huy tiếp biến sao cho phù hợp với thời đại, để khẳng định được vị trí xứng đáng trong chiều dài lịch sử mỹ thuật của Việt Nam.
Có thể nói, điêu khắc cổ Việt Nam, trải dài từ Bắc đến Nam với nghệ thuật tạo hình tượng tròn, phù điêu chạm trổ ở các thiết chế kiến trúc cung đình, đình, chùa, nơi thờ tự, chôn cất…, đã để lại cho dân tộc ta một kho tàng hiện vật nghệ thuật hình khối khá phong phú và đa dạng. Ở đó, đã minh chứng những thời kỳ vàng son cho tinh thần lao động sáng tạo của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam với một đặc trƣng riêng, không giống bất cứ nơi nào trên thế giới.
Điêu khắc cổ là một công trình nghệ thuật đồ sộ, của cha ông ta là những cư dân lâu đời sinh sống trên đất Việt Nam để lại như một kho tàng quý báu được lưu giữ trong các bảo tàng quốc gia và trong các đình, chùa. Nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam có một truyền thống phát triển lâu đời với một bản sắc riêng, kế thừa nhau qua các giai đoạn thăng trầm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những thủ pháp sáng tạo nghệ thuật mang tính điển hình, ước lệ trong tư duy tạo hình của nền điêu khắc truyền thống dân tộc, cho chúng ta nhận thức mạch nguồn tư duy giàu tính biểu tượng, chứa đựng quan niệm về nhân sinh và tinh thần nhân văn trong sáng tạo của ông cha ta. Đó là một giá trị tinh thần vô cùng quan trọng, giúp cho sự kết nối ý thức tư duy sáng tạo của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam thế hệ sau tiếp nối học tập và tạo ra những tác phẩm lớn để khẳng định vị trí của nền điêu khắc hiện đại Việt Nam.
g. Năm tốt nghiệp: 2016
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).