a. Tên luận văn: Xây dựng và tổ chức dạy học chủ đề tích hợp "Dự báo thời tiết" ở trung học phổ thông
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trà Thị Cẩm Giang
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Phan Bội Châu
đ. Mục tiêu của luận văn - luận án: Xây dựng nội dung, thiết kế phương án và tổ chức dạy học chủ đề "Dự báo thời tiết" ở THPT nhằm gây hứng thú và phát huy tích cực, tự lực học tập, chiếm lĩnh kiến thức, năng lực hợp tác của học sinh
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Đất nước ta ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới. Việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, năng lực, sáng tạo có khả năng thích nghi với xu thế toàn cầu hoá là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, phương pháp và nội dung chương trình giáo dục đào tạo của nước ta hiện nay ở cấp học THPT còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các tri thức khoa học và kinh nghiệm xã hội của loài người phát triển như vũ bão. Người ta nhận thấy cần thiết phải trang bị nhiều kỹ năng sống cho HS như:các kiến thức về an toàn giao thông, về bảo vệ môi trường sống, về năng lượng và sử dụng năng lượng, về hình thành thế giới quan duy vật biện chứng, các tri thức để định hướng nghề nghiệp... trong khi những tri thức này không thể tạo thành môn học mới để đưa vào nhà trường.
Do đó, cần có những đổi mới, sáng tạo từ những phương pháp, phương tiện trong quá trình dạy học của mỗi giáo viên đến nội dung chương trình trong sách giáo khoa. Trong những năm gần đây đổi mới giáo dục được đặt lên như một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở nước ta, trong đó đòi hỏi sự đổi mới đồng bộ cả mục đích, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học. Qua nghiên cứu lý thuyết sư phạm tích hợp, tác giả nhận thấy lý thuyết này có những đặc điểm, phương thức phù hợp với định hướng đổi mới chương trình GD cũng như phù hợp với bộ môn Vật lí. Tuy nhiên, quan điểm dạy học này còn khá mới mẽ đối với nhiều giáo viên. Vì vậy, tác giả chọn đề tài: Xây dựng và tổ chức dạy họcchủ đề tích hợp “Dự báo thời tiết” ở trung học phổ thông để nghiên cứu.
Với mục tiêu xây dựng nội dung, thiết kế phương án và tổ chức dạy học chủ đề tích hợp “Dự báo thời tiết” ở THPT nhằm gây hứng thú và phát huy tích cực, tự lực học tập, chiếm lĩnh kiến thức, năng lực hợp tác của học sinh. Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lí luận, phương pháp điều tra khảo sát và phương pháp thực nghiệm sư phạm để thực hiện đề tài này.
Về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc dạy học chủ đề tích hợp, tác giả nhận định rằng, việc dạy học tích hợp là một xu hướng trên thế giới đã và đang quan tâm thực hiện. Mức độ, cách thức tích hợp như thế nào phụ thuộc vào quan điểm của từng quốc gia. Cho dù thực hiện theo quan điểm nào thì nền giáo dục của từng quốc gia đều hướng tới mục đích đem lại hiệu quả giáo dục cao, đặc biệt là trong việc gắn nhà trường với xã hội và trong việc rèn luyện các năng lực chung cho người học.
Ở nước ta, điểm dạy học theo hướng tích hợp đã được quan tâm từ nhiều năm nay nhưngviệc tiến hành thực hiện dạy học theo xu hướng tích hợp chỉ mới dừng lại ở mức lồng ghép các nội dung: giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hợp lí, giáo dục giới tính, an toàn giao thông... vào các môn học hiện hành ở hai cấp THCS và THPT mà chưa có sự tích hợp nhiều môn học riêng lẻ thành một môn học thống nhất.
Từ việc phân tích một số luận điểm về cơ sở lí luận của dạy học tích hợp như: quan niệm về dạy học tích hợp; khái niệm dạy học tích hợp; đặc trưng của dạy học tích hợp, các mức độ tích hợp và thực trạng dạy học tích hợp ở một số nước trên thế giới và ở Việt Nam, cho thấy tích hợp là một trong những quan điểm giáo dục đã trở thành xu thế trong việc xác định nội dung dạy học trong nhà trường phổ thông và trong xây dựng chương trình môn học ở nhiều nước trên thế giới. Quan điểm tích hợp được xây dựng trên cơ sở những quan niệm tích cực về quá trình học tập và quá trình dạy học. Thực hiện môn học tích hợp, các quá trình học tập không bị cô lập với cuộc sống hàng ngày, các kiến thức gắn liền với kinh nghiệm sống của học sinh và được liên hệ với các tình huống cụ thể, có ý nghĩa đối với học sinh. Cũng trên cơ sở phân tích về các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực, chúng tôi nhận thấy khi dạy học tích hợp thì cần thiết phải sử dụng các phương pháp dạy học tích cực một cách phù hợp với mỗi chủ đề, mỗi đối tượng HS. Từ đó, không những học sinh tự chủ chiếm lĩnh kiến thức mà còn được bồi dưỡng, phát triển những phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu của một xã hội văn minh hiện đại.
Kết hợp với toàn bộ cơ sở lí luận mà tác giả đã nghiên cứu, cùng với việc nghiên cứu nội dung kiến thức liên quan đến thời tiết và dự báo thời tiết, tác giả thấy có thể vận dụng phương pháp dạy học tích cực để xây dựng nội dung và thiết kế phương án dạy học chủ đề tích hợp “Dự báo thời tiết”. Kết quả cho thấy, “Dự báo thời tiết” là một chủ đề mà nội dung kiến thức trong đó gắn liền với đời sống thực tiễn mỗi con người, đa số mọi người ai cũng có ít nhiều kiến thức liên quan đến chủ đề. Khi nghiên cứu chủ đề sẽ giúp học sinh tổng hợp và có thêm những kiến thức cơ bản của chương trình nhiều môn hiện hành: Vật lí, Sinh học, Địa lí, Hóa học để có thể biết về các hiện tượng thời tiết như: sự hình thành của các đám mây, mưa, nhiệt độ, gió, sương,... hiểu được một bản tin dự báo thông thường. Từ đó có thể trả lời cho những câu hỏi về các sự kiện thời tiết có liên quan đến mục đích nào đó. Bên cạnh đó cũng trang bị cho học sinh những cách thức, dấu hiệu đơn giản để dự đoán được thời tiết thời gian sắp tới như thế nào. Ngoài ra, việc giúp học sinh tìm hiểu về các số liệu thống kê liên quan đến thời tiết sẽ giúp phát triển tư duy phân tích và thúc đẩy việc sử dụng máy tính.
Từ những phân tích cụ thể, trong tổ chức dạy học chủ đề tích hợp “ Dự báo thời tiết”, tác giả thực hiện xây dựng nội dung chủ đề gồm các bài học như sau:
- Bài 1. Những yếu tố tạo nên thời tiết
+ Thời tiết là gì?
+ Nhiệt: khái niệm, sự thay đổi, tác dụng của nhiệt độ đối với sự sống.
+ Khí quyển: khái niệm, thành phần, cấu trúc, vai trò của khí quyển và áp suất khí quyển.
+ Nước: vòng tuần hoàn của nước, các đại lượng đặc trưng của hơi nước, tác dụng của hơi nước đối với sự sống.
- Bài 2. Một số hiện tượng thời tiết
+ Khái niệm
+ Điều kiện hình thành
+ Quá trình hình thành của một số hiện tượng thời tiết: mưa, gió, sương, mây, bão, sấm chớp.
- Bài 3. Phương pháp dự báo thời tiết
+ Phương pháp dự báo số
+ Phương pháp SyNốp
+ Phương pháp dự báo theo dấu hiệu địa phương
Mỗi một bài, tác giả đã thiết kế phương án dạy học như mục tiêu, nội dung kiến thức bài học cụ thể như:
- Những yếu tố tạo nên thời tiết. Tiểu chủ đề này nghiên cứu những kiến thức cơ bản về: Thời tiết là gì; Nhiệt: khái niệm, sự thay đổi, tác dụng của nhiệt độ đối với sự sống; Khí quyển: khái niệm, thành phần, cấu trúc, vai trò của khí quyển và áp suất khí quyển; Nước: vòng tuần hoàn của nước, các đại lượng đặc trưng của hơi nước, tác dụng của hơi nước đối với sự sống. Ở nội dung này, tác giả đã tích hợp các kiến thức Vật lí, Sinh học và Địa lí, giúp học sinh sau khi học có được cái nhìn đầy đủ về những yếu tố tạo nên thời tiết.
- Một số hiện tượng thời tiết. Tiểu chủ đề này nghiên cứu những kiến thức cơ bản về đặc điểm, điều kiện hình thành, quá trình hình thành một số hiện tượng thời tiết như: Sương; Mây; Gió; Mưa; Sấm chớp; Bão, áp thấp nhiệt đới. Ở nội dung này, tác giả đã tích hợp các kiến thức Vật lí và Địa lí, giúp học sinh sau khi học có được cái nhìn đầy đủ về những hiện tượng thời tiết thường gặp.
- Phương pháp dự báo thời tiết. Tiểu chủ đề này nghiên cứu những kiến thức cơ bản về một số phương pháp dự báo thời tiết: Phương pháp dự báo số; Phương pháp Sy Nốp; Phương pháp dự báo theo dấu hiệu địa phương; Dự báo thời tiết bằng kinh nghiệm dân gian. Khi thiết kế các phương án dạy học, tác giả đã vận dụng quan điểm dạy học tích hợp và quan điểm dạy học tích cực, sử dụng cách tổ chức hoạt động nhóm, hướng dẫn học sinh tự học thông qua các phiếu học tập ở nhà, ở lớp và cách thức thảo luận, báo cáo kết quả để họ tự chủ chiếm lĩnh kiến thức.
Để kiểm tra được tính khả thi và hiệu quả của nôi dung chủ đề đã xây dựng và phương án dạy học đã thiết kế, tác giả đã tổ chức dạy học thực nghiệm sư phạm tại lớp 10A5 trường THPT Phan Bội Châu, thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Lớp gồm 30 học sinh. Trong quá trình thực nghiệm sư phạm, từ việc tổ chức, theo dõi và phân tích diễn biến các giờ thực nghiệm tác giả có những nhận xét như sau:
- Quá trình dạy học tích hợp theo chủ đề dự báo thời tiết đã soạn thảo tương đối phù hợp với thực tế dạy học. Quá trình dạy học giúp học sinh tự lực chiếm lĩnh kiến thức, giúp học sinh hình thành các năng lực tư duy tổng hợp, phân tích,…Ngoài ra còn giúp học sinh hình thành kỹ năng thu thập thông tin, xử lí thông tin, diễn đạt trước đám đông và kỹ năng làm việc nhóm. Giúp hình thành ý thức tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến thời tiết, một số cách dự báo thời tiết.
- Qua quá trình thực nghiệm sư phạm, tác giả nhận thấy rằng có thể áp dụng phương pháp đã làm một cách rộng rải để soạn thảo các tiến trình dạy học tích hợp các chủ đề kiến thức vật lí liên quan tới các môn học khác.
- Trong quá trình học tập, nhiều học sinh hứng thú với phương pháp học tập mới, thường xuyên trao đổi ý kiến của mình thông qua hoạt động nhóm, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp.
- Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy thực nghiệm, tác giả nhận thấy còn một số khó khăn và hạn chế sau:
+ Về phía giáo viên: Nội dung giảng dạy học tích hợp theo chủ đề về dự báo thời tiết là nội dung mới, kinh nghiệm đứng lớp chưa nhiều và cũng chưa quen với học sinh. Do đó, trong quá trình giảng dạy GV còn một số chỗ bỡ ngỡ về nội dung và sự điều hành còn lúng túng.
+ Về phía học sinh: Các em đang quen với phương pháp dạy học truyền thống (thầy cô lên lớp giảng dạy theo chương bài, trên lớp chủ yếu hoạt động cá nhân,..). Còn ở đây HS vẫn chưa thuần thục với phương pháp dạy học tích cực, lần đầu tiên các em làm việc với phương pháp học tập mới nên chưa đủ tự tin trong nắm bắt kiến thức. Việc sử dụng các phương tiện thông tin , khai thác thông tin trên internet còn hạn chế. Nhiều em còn rụt rè, e ngại, sợ sai nên không dám đưa ra ý kiến, một số nhóm trưởng chưa có khả năng phân công nhiệm vụ, điều khiển hoạt động của nhóm. Người trình bày chủ yếu là người trình chiếu lại kiến thức mà nhóm đã chuẩn bị, khả năng diễn đạt trước đám đông chưa tốt.
+ Về điều kiện khách quan: Lớp có sĩ số lớn dẫn tới số nhóm và số thành viên trong nhóm nhiều nên sự điều khiển hoạt động chưa cụ thể, một số học sinh trong nhóm vẫn thụ động, dựa vào các bạn khác.
Tóm lại, qua kết quả thực nghiệm sư phạm cho thấy việc dạy học tích hợp chủ đề “Dự báo thời tiết” trong dạy học mang lại hiệu quả khá cao. Học sinh không những vẫn nắm được kiến thức cơ bản mà còn chủ động tích lũy các kiến thức đó, phát huy được năng lực hợp tác. Hơn nữa, học sinh có thể hiểu rõ và giải thích được một số thông tin trong các bản tin “Dự báo thời tiết” cho bản thân cũng như cho những người xung quanh.
g. Năm tốt nghiệp: 2015
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).