a. Tên luận văn: Yếu tố dân gian trong sơn mài ứng dụng Bình Dương
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Huỳnh Đức Hiếu
c. Tên đơn vị công tác: Trường trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Sơn mài được xem là một trong những nghề đặc trưng cho Bình Dương. Từ những công trình kiến trúc như Đình, Chùa, nhà cổ, cùng những chiếc bình, chiếc hộp với kích thước nhỏ xinh xắn, bình phong, liễng, câu đối, salon phủ sơn mài, cho đến những pho tượng Phật uy nghiêm nhưng thanh thoát ẩn hiện trong không gian tĩnh mịt mờ ảo của Đình, Chùa. Những bức tranh sắc màu huyền ảo, lung linh độc đáo, đầy chất trữ tình với những chú mục đồng nằm trên lưng trâu ung dung thổi sáo, vài ngôi nhà nhỏ ven sông có bụi tre khóm trúc bờ ao, có đàn cò trắng, bờ dừa, có quê hương với mái nhà tranh… hòa quyện trong không khí của làng quê yên ả cho đến những thiếu nữ e ấp trong chiếc áo dài nón lá nghiêng che bên hoa sen, hoa cúc…
Tất cả những hình tượng, cảnh sinh hoạt ấy được biểu hiện trong các sản phẩm ở chất liệu sơn mài óng ả, sang trọng, quý phái nhưng đầy chất trữ tình mà đôi khi trong cuộc sống thường nhật không cảm nhận được. Từ đó sơn mài trở thành niềm tự hào của dân tộc, mỗi sản phẩm như một thông điệp triết lý, chứa đựng trí tuệ sáng tạo, tình cảm và tâm hồn của con người Việt Nam.
Ngoài việc làm đẹp, con người Bình Dương vẫn luôn mong muốn, tìm tòi phát huy những ngôn ngữ riêng nhằm hướng tới sự biểu cảm. Đồng thời, thông qua chất liệu sơn mài để thay đổi cách nhìn của người thưởng lãm và nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của các nghệ sĩ. Vì thế, các nghệ sĩ cần rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu sáng tác những tác phẩm chứa đựng cảm xúc chân thành, mang đậm bản sắc riêng, nhưng vẫn giữ được tính dân gian, cái hồn của dân tộc trong tinh thần của thời đại mới.
Với mục đích nghiên cứu là nhìn nhận yếu tố dân gian trong một số sản phẩm sơn mài ứng dụng thông qua nội dung, đề tài cũng như hình thức thể hiện của chất liệu. Từ đó, tác giả muốn đóng góp vào công cuộc bảo tồn một ngành nghề thủ công mà nghệ nhân ngày xưa đã dày công gây dựng cho đến ngày nay. Tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành và phương pháp phân tích mỹ thuật học, qua đó tổng hợp những cơ sở lý luận và so sánh các nguồn tư liệu; khảo sát, điền dã và ghi chép thực tế, phương pháp quan sát, tham dự; tiếp cận định tính, định lượng nhằm phân tích những vấn đề mang tính khoa học trong bài luận văn. Trên cơ sở đó, rút ra những nhận định và bài học sáng tác cho bản thân.
Theo khái niệm ở luận án TS Nguyễn Văn Minh thì “sơn mài ứng dụng” Là loại hình sơn mài sử dụng các phương tiện tạo hình để sáng tạo nên thế giới đồ vật mang tính thẩm mỹ và công năng. Nó là sản phẩm được hình thành qua một quá trình sáng tác mỹ thuật và được thể hiện bởi quy trình công nghệ nhất định, vừa mang tính thực dụng, phục vụ nhu cầu đời sống vật chất của con người, đồng thời vừa mang tính chất thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần. Sơn mài ứng dụng ngày nay bao gồm các sản phẩm đồ sơn dân gian, sơn mài mỹ nghệ, có phương thức chế tác cả thủ công, công nghiệp và có hình thức mỹ thuật mang yếu tố thẩm mỹ của thời đại thông qua sự chi phối của các ngành đi-dai (design).
Sơn mài mỹ nghệ là những sản phẩm trang trí được làm bằng tay với chất liệu sơn ta, trong đó có nhiều thể loại như đồ trang sức, hộp, bình, khay… cho đến tranh sơn mài mỹ nghệ được sản xuất hàng loạt theo mẫu nhất định. Trong chủ đề tranh sơn mài mỹ nghệ thường gặp với những tên: tranh Tứ thời (Mai - Lan - Cúc - Trúc), tranh Cá vàng (chuyên vẽ về cá vàng), tranh Lục đền (sáu tấm bình phong, mỗi tấm được vẽ một phong cảnh Đền, Chùa nổi tiếng…).
Trong nghệ thuật trang trí người ta thường được biết đến thuật ngữ “mỹ nghệ”, nó không chỉ quan trọng đối với xuất khẩu và đời sống hàng ngày, mà còn được phát triển dần lên theo công nghệ sản xuất hiện nay. Nhắc đến mỹ nghệ là nhắc đến khâu làm bằng tay nhưng được sản xuất hàng loạt, nhằm làm thỏa mãn những nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Khác với mỹ thuật (chỉ một người vẽ tất cả công đoạn), mỹ nghệ được phân ra nhiều công đoạn hơn và mỗi người sẽ chuyên về một công đoạn nhất định sao cho vừa sản xuất hàng loạt, vừa thỏa mãn nhu cầu đa dạng người tiêu dùng.
Qua tiến trình phát triển của xã hội, để đáp ứng theo xu hướng thị trường, sơn mài mỹ nghệ trở nên phong phú hơn về đề tài, đa dạng về chất liệu cốt, nền như: gỗ, đồng, nhựa, đất, đá, thủy tinh, tre nứa, giấy, quả bầu… với kích thước các cỡ phù hợp với mọi không gian. Đồng thời, được thể hiện với nhiều gam màu, hòa sắc, thậm chí chuyển sắc độ sáng tối để diễn đạt không gian, tôn vẻ đẹp riêng cho từng chủng loại sản phẩm, đáp ứng được đa dạng nhu cầu thị trường. Do công nghiệp Việt Nam phát triển, người ta đã áp dụng máy móc vào sản xuất hàng loạt những sản phẩm trang trí giống hệt nhau, nên đôi lúc còn gọi là sơn mài kỹ nghệ. Nhìn ở góc độ tổng quát về các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ ngày nay, chúng ta cũng có thể hiểu và tạm gọi qua thuật ngữ “sơn mài ứng dụng”.
Lịch sử phát triển của lưu dân ở vùng đất mới gắn liền với tiến trình văn hóa vật chất mà điển hình là nhà cửa, Đình, Chùa, Miếu mạo, cho đến vật dụng sinh hoạt hàng ngày… những cụm dân cư đầu tiên ở vùng đất mới, khi dân lưu tán vận dụng những kinh nghiệm trong hành trang mang theo của mình để lập nghiệp. Nhằm thích ứng với từng dạng địa hình tự nhiên, họ nhanh chóng tiếp cận khai thác phát huy thế mạnh vốn có từ tài nguyên, khoáng chất… hình thành nên các làng thủ công, trong đó có làng chuyên về sản xuất các mặt hàng sơn mài.
Đáp ứng nhu cầu thị hiếu xã hội, ban đầu nghề truyền nghề thông qua cha truyền con nối, dần dần xu hướng thị hiếu tăng cao, cùng với sự ra đời của trường Bá nghệ Bình Dương (1901) đã đào tạo ra biết bao thế hệ thợ thầy nổi tiếng. Dựa vào sự sáng tạo, tài năng, xưởng sơn mài Thành Lễ được thành lập cùng hàng loạt các xưởng khác như: Trần Hà, Lương Định Của, Sông Gianh… Thông qua đó, sản phẩm họ đã tạo dựng uy tín đưa các làng nghề sơn mài trong tỉnh nổi danh khắp Nam kỳ lục tỉnh, lan rộng ra khắp nước, vươn xa tận nước ngoài. Đó là những thành quả đóng góp vô cùng to lớn từ các lớp thế hệ nghệ nhân, họa sĩ tỉnh nhà, đưa chất liệu sơn mài ứng dụng Bình Dương lên một tầm cao mới, xứng đáng là di sản văn hóa đáng trân trọng của tỉnh nói riêng và của dân tộc nói chung.
Qua nghiên cứu tính dân gian thể hiện qua hình thức kỹ thuật chất liệu, thể hiện qua nội dung, đề tài và tính dân gian trong Sơn mài ứng dụng Bình Dương, có thể nhận thấy những nét độc đáo của sơn mài ứng dụng Bình Dương được thể hiện qua nội dung đề tài, màu sắc và kỹ thuật. Đề tài của các sản phẩm sơn mài hết sức phong phú, không chỉ là các chủ đề mang tính quy phạm theo những khuôn mẫu tôn giáo, nho giáo mà còn là những chủ đề được lấy từ đời sống dân gian gắn với những sinh hoạt vùng, miền, những phong cảnh mang tính địa phương, với sắc màu nâu, đỏ sen của vùng đất Bình Dương cùng những kỹ thuật khá đa dạng và nổi trội như: sử dụng vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc các loại với nhiều kỹ thuật gắn, cẩn khác nhau…
Sơn mài ứng dụng Bình Dương cũng khẳng định giá trị ở chất lượng cao của các sản phẩm trong khâu làm cốt, vóc với quy trình xử lý chất liệu nghiêm ngặt, đủ và đúng các công đoạn kỹ thuật. Toàn bộ đều được sử dụng bằng sơn ta đặc trưng của Bình Dương - loại sơn kết hợp từ sơn ta Phú Thọ với sơn Nam Vang, nhanh khô mà vẫn bảo đảm được độ dẻo, trong và sâu của chất liệu, đặc biệt là màu sắc luôn tươi sáng nhưng không lòe loẹt. Nét độc đáo hơn hết trong các sản phẩm sơn mài ứng dụng Bình Dương chính là những yếu tố dân gian được các nghệ nhân, họa sĩ lâu năm từng sống và gắn bó mật thiết với những lối sống chân quê, mộc mạc, những hình ảnh sinh hoạt hết sức đời thường như: cày, cấy, chăn trâu, thả diều, cánh cò, bờ ao, ruộng lúa, lũy tre làng… lồng ghép đưa vào trong từng chủ đề, nội dung để thể hiện lên tranh, sản phẩm bình phong, bàn ghế, giường, tủ đến bình hoa, tráp… đã tạo cho các tranh, sản phẩm ấy trở nên lôi cuốn và có sức sống hơn bao giờ hết mà ít thấy ở những làng nghề khác có được.
Trước đây, yếu tố dân gian đã có sự ảnh hưởng rất lớn qua tư tưởng sáng tác của các nghệ nhân, họa sĩ. Có sự tiếp thu những tinh hoa vật chất, lại có sự tiếp thu từ quan niệm về cách tạo hình về tư tưởng. Như một phản xạ tự nhiên, họ đã tạo nên một nét riêng cho sơn mài Bình Dương với nhiều thể loại, đa phong cách, nội dung đề tài phong phú, đó là một nét đẹp, điều đáng tự hào, cần được gìn giữ và phát huy.
Sơn mài đã định hình trên vùng đất Bình Dương trên dưới 200 năm. Có thể nói tính hấp dẫn ở đồ sơn trước hết được thể hiện qua màu sắc lộng lẫy, trang nghiêm và sang trọng của nó. Nhờ đặc tính này mà sơn được ứng dụng trên mọi cốt nguyên liệu khác nhau, tiêu biểu là các công trình phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng như: Đình, Chùa, Miếu… và trang trí trong cung đình. Sau đó được đưa vào đời sống nhân dân và sớm trở thành hàng hóa, mang đậm yếu tố thẩm mỹ.
Trong giá trị nghệ thuật sơn mài ứng dụng Bình Dương có sự đóng góp của các giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội và giá trị về thẩm mỹ. Thông qua đó, yếu tố dân gian cũng góp phần không nhỏ trong việc định hình của sơn mài tỉnh nhà. Có thể thấy qua các hình thức kỹ thuật thể hiện như: Sơn mài vẽ lặn mỏng, vẽ lặn phức tạp, khoét trũng, đắp nổi, cẩn xà cừ, cẩn vỏ trứng, cẩn tre, vẽ màu vàng bạc nhũ, vẽ màu vàng bạc lá, vẽ tổng hợp, bình soa, đĩa soa… Và qua một số nội dung, đề tài: Ngư tiều canh mục, Mai - Lan - Cúc - Trúc, Vinh hoa bái tổ, phong cảnh đồng quê… trên các chủng loại sản phẩm sơn mài, được các thế hệ nghệ nhân dân gian, họa sĩ sơn mài Bình Dương gìn giữ, lưu truyền và phát triển mãi đến ngày nay.
Sau khi tìm tòi, nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển sơn mài ứng dụng Bình Dương từ những đặc trưng về chất liệu, quy trình, kỹ thuật thể hiện, tác giả nhận thấy các nghệ nhân dân gian, họa sĩ, doanh nghiệp sơn mài tiêu biểu ở Bình Dương đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi, từ vốn sống thực tế, người vẽ cũng chính là những người nông dân, nên họ thấu hiểu được tâm tư tình cảm hướng tới cái đẹp, ước nguyện và cái cần của mọi người để từ đó vẽ nên tranh vừa mang tính chủ quan nhưng lại vừa mang tính khách quan. Từ nét đẹp dân gian ấy, họ đã mang đến sự phong phú, đa dạng cho các thể loại, nội dung đề tài và đưa loại hình sơn mài ứng dụng Bình Dương trở thành vốn quý của dân tộc.
Không ngừng lại ở đó, những nghệ nhân, họa sĩ tạo hình các thế hệ sau còn biết tiếp thu tinh hoa - vốn sẳn có ấy để tạo nên một bản sắc, tiếng nói riêng mà những bậc đàn anh trước đây từng hun đúc gầy dựng. Song song đó, là sự giao lưu, học hỏi, hòa nhập với thế giới quan nhằm phát huy hơn nữa tính sáng tạo mới dựa trên nền tảng sự thăng hoa từ cội nguồn dân tộc. Để từ đó bám rễ, ăn sâu và vươn lên trở thành bản sắc nghệ thuật riêng của tỉnh nhà. Sơn mài ứng dụng Bình Dương đã mang lại niềm tự hào không chỉ cho giới nghệ nhân, họa sĩ mà nó còn trở thành vốn quý, là bản sắc của tỉnh nhà. Sự phát triển lĩnh vực tạo hình và trang trí thủ công mỹ nghệ đã góp phần làm phong phú cách thể hiện, giúp những nghệ nhân, họa sĩ dễ dàng diễn đạt được cảm xúc - cái “Tôi” mà họ nhìn nhận từ cuộc sống, từ thế giới quan sinh động, để rồi chuyển hóa và đưa chúng vào sản phẩm, tác phẩm.
g. Năm tốt nghiệp: 2016
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).