a/ Tên nhiệm vụ: Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất tỉnh Bình Dương
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Hoài Phương và cá nhân tham gia chính:
1. Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Anh
2. Thạc sĩ Phan Văn Trung
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Sau gần 20 năm tái lập, tỉnh Bình Dương đã trãi qua nhiều khó khăn, từ một tỉnh thuần nông đã trở thành một tỉnh có nền kinh tế công nghiệp phát triển, đời sống người dân được cải thiện. Đồng thời, với chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, Bình Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người dân nhập cư gặt hái thành công, trở thành tỉnh thu hút lực lượng lao động nhập cư lớn so với cả nước. Đặc biệt là ở các vùng đô thị, vùng có nhiều khu công nghiệp tập trung đã làm gia tăng mức độ đô thị hóa.
Ngoài ra, tình hình dân số tăng nhanh là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất của tỉnh. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần phải định hướng và đề ra các giải pháp về quy hoạch, phát triển đô thị; giải pháp quy hoạch, quản lý đất hiệu quả nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chính vì những lý do đó, nhóm tác giả đã chọn đề tài “Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất tỉnh Bình Dương” để nghiên cứu.
Với mục tiêu nghiên cứu:
- Tổng quan về cơ sở lý luận về đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh;
- Phân tích ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất tỉnh Bình Dương
- Trên cơ sở định hướng đưa ra các giải pháp góp phần thúc đẩy vào quá trình quy hoạch, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong các giai đoạn tiếp theo.
- Đô thị hóa là hiện tượng kinh tế - xã hội liên quan đến các dịch chuyển về mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, không gian môi trường sâu sắc gắn với những tiến độ về khoa học kỹ thuật, tạo đà thúc đẩy sự phân công lao động, chuyển đổi nghề nghiệp, hình thành các nghề nghiệp mới, thúc đẩy sự định cư vào trung tâm các đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế làm thay đổi đời sống văn hóa, xã hội và nâng cao mức sống người dân, làm thay đổi cả lối sống và hình thức giao tiếp xã hội.
Theo đó, có 04 tiêu chí để xác định mức độ đô thị hóa gồm: Tỷ lệ dân thành thị; tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; mật độ dân số tập trung cao ở các đô thị lớn; nhịp độ đô thị hóa
- Chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất là quá trình vận động, biến đổi các loại đất khác nhau làm thay đổi vị trí, tương quan tỷ lệ và mối quan hệ, tương quan giữ các loại đất dưới tác động của những yếu tố kinh tế - xã hội và các điều kiện khách quan khác. Chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất là một quá trình vận động của các bộ phấn cấu thành nên cơ cấu sử dụng đất. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất sẽ vận động và phát triển từ một cơ cấu cũ sang một cơ cấu mới. Quá trình chuyển dịch này đòi hỏi phải tốn khoảng thời gian và trãi qua các tuần tự khác nhau để đạt đến mục đích cuối cùng là một tổng thể được kết hợp hợp lý, hài hòa từ các bộ phận cấu thành.
Sau 12 tháng nghiên cứu, tiếp cận và vận dụng những phương pháp nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Thông qua những nghiên cứu về đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhóm tác giả đề tài đã khẳng định quá trình đô thị hóa tác động đến chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất và bản thân cơ cấu sử dụng đất khi chuyển động lại có ảnh hưởng ngược lại quá trình đô thị hóa.
2. Xây dựng khung lý thuyết để đánh giá mối quan hệ giữ đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2000 - 2013. Qua đó cho thấy, sự chuyển dịch từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tương đối nhanh nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát cho phép.
3. Nghiên cứu thực trạng chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất của tỉnh nói chung, chưa thực sự đi sâu vào sự chuyển dịch đất đai các huyện một cách cụ thể.
4. Dự báo phương hướng và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa trong tương lai và đề xuất một chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cho tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung và đô thị hóa nói riêng.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu: 08/2014
- Thời gian kết thúc: 12/2015
g/ Kinh phí thực hiện: 44.647.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)