Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu hiện tượng tăng tốc sinh học của trẻ em từ 08 đến 15 tuổi ở một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ chủ trì: Khoa Khoa học Tự nhiên - Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền và cá nhân tham gia chính:
1. Thạc sĩ. Nguyễn Thị Ngọc Nhi
2. Thạc sĩ. Lê Thị Thu Huệ
d. Mục tiêu nghiên cứu:
- Xác định được một số chỉ số thể lực và chỉ số chức năng liên quan đến hiện tượng tăng tốc của trẻ em tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
- Bước đầu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng tăng tốc sinh học ở trẻ em hiện nay ở Bình Dương.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Tăng tốc (acceleration) là hiện tượng tăng kích thước cơ thể và trưởng thành sinh dục sớm. Tuy hiện tượng tăng tốc sinh học được ghi nhận nhưng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về lĩnh vực này để đưa ra những con số chính xác giúp đánh giá đúng thực trạng của hiện tượng tăng tốc sinh học ở trẻ em. Bên cạnh đó, xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em trên toàn thế giới và một số ít có thể là biểu hiện của bệnh lý cần được điều trị đặc biệt.
Hiện nay, việc cải thiện và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em là mục tiêu quan trọng và hàng đầu của tất cả các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây chính là những mục tiêu thiên niên kỉ của Liên hiệp quốc, chiến lược Quốc gia của Việt Nam. Do đó, các chỉ số sinh học cần phải nghiên cứu định kì ở từng thập kỉ và ở từng vùng miền để đánh giá sự phát triển về thể chất của thế hệ tương lai trước sự phát triển liên tục của đất nước và sự thay đổi kinh tế của từng địa phương.
Tại Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về các chỉ số hình thái ở người và các chỉ số thể lực của học sinh - sinh viên. Kết quả nghiên cứu đều xác định được sự thay đổi của các chỉ số theo lứa tuổi, vùng miền và mang đặc điểm giới tính… cho thấy sự khác biệt về các chỉ số thể lực giữa nam và nữ, giữa trẻ em thành thị và nông thôn.
Chính những lý do đó, nhóm tác giả nghiên cứu đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiện tượng tăng tốc sinh học của trẻ em từ 08 đến 15 tuổi ở một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương” để đánh giá được thực trạng về một số chỉ số thể lực của học sinh từ 8-15 tuổi ở tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu nghiên cứu: Xác định được các chỉ số thể lực và các chỉ số chức năng liên quan đến hiện tượng tăng tốc của trẻ em tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Bước đầu tìm hiểu các yếu tố dẫn đến hiện tượng tăng tốc sinh học ở trẻ em hiện nay ở Bình Dương.
Nội dung nghiên cứu của đề tài dựa theo nguyên tắc: Chọn lọc kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có qua cách tiếp cận các tài liệu có liên quan đến các chỉ số sinh học và hiện tượng tăng tốc sinh học của trẻ em Việt Nam và trên thế giới; tiến hành điều tra một số yếu tố liên quan đến sự phát triển thể lực của học sinh thông qua các mẫu phiếu điều tra; phỏng vấn sâu và kết hợp thực hiện đo các chỉ số sinh học cần thiết; đưa ra các giải pháp cụ thể và khả thi, thích hợp với tình hình hiện tại của tỉnh Bình Dương.
Sau thời gian 15 tháng thực hiện nghiên cứu, đề tài đã triển khai hoàn thành các nội dung nghiên cứu chính như sau:
1. Nghiên cứu các yếu tố liên quan đến sự phát triển của thể lực thông qua các mẫu phiếu điều tra các chỉ số về những yếu tố liên quan đến thể lực và sinh lý tuổi dậy thì;
2. Nghiên cứu các chỉ số về thể lực của 2.149 học sinh từ 8 - 15 tuổi tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở Bình Dương về: Chiều cao đứng (tính bằng cm); cân nặng (tính theo kg); vòng ngực trung bình của học sinh tăng theo lứa tuổi và đưa ra các chỉ số về IBM, chỉ số Pignet;
3. Nghiên cứu các chỉ số về thể lực của 2.149 học sinh từ 8 - 15 tuổi tại một số trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở Bình Dương về hệ tuần hoàn (gồm có tần số tim, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương); chỉ số liên quan đến tuổi dậy thì (gồm lớn nhanh, bể giọng ở nam…).
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định được thực trạng về một số chỉ số thể lực và sinh lý lứa tuổi của học sinh từ 08-15 tuổi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tác giả cũng đã đưa ra những đề xuất cụ thể trong việc điều chỉnh các chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và học tập để học sinh phát triển tốt hơn về thể chất. Đây sẽ là tài liệu cho các nhà quản lý giáo dục và tổ chức y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời là tài liệu tham khảo có giá trị dùng trong giảng dạy môn Sinh lý trẻ em; sinh lý người và động vật.
e. Thời gian nghiên cứu: 15 tháng
- Thời gian bắt đầu: 12/2014
- Thời gian kết thúc: 03/2016
f. Kinh phí thực hiện: 50.909.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)