a. Tên nhiệm vụ: Khảo sát nhu cầu về kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại tỉnh Bình Dương
b. Đơn vị chủ trì: Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Thủ Dầu Một
c. Chủ nhiệm: Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết
d. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát nhu cầu về kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ đại học.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin trình độ kỹ sư và cử nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương được đào tạo từ các trường đại học trong khu vực và các trường đại học trong tỉnh Bình Dương, nhưng đa số sinh viên khi ra trường chưa đáp ứng ngay nhu cầu của nhà tuyển dụng mà phải được đào tạo lại theo tiêu chí của từng nhà tuyển dụng. Vấn đề này đặt ra cho Khoa Công nghệ thông tin và giảng viên trong khoa là làm thế nào để khi sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng mà không tốn thời gian, chi phí đào tạo lại.
Để đáp ứng yêu cầu trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và thực hiện đề tài “Khảo sát nhu cầu về kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại tỉnh Bình Dương” nhằm nghiên cứu khảo sát nhu cầu kiến thức, kỹ năng của nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại tỉnh Bình Dương, từ đó, đề xuất bổ sung, điều chỉnh nội dung và thời lượng các môn học của Khoa Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Mục tiêu: Khảo sát nhu cầu về kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ đại học. Cụ thể: Xác định được mức năng lực về kiến thức, kỹ năng của cử nhân công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp; đề xuất thay đổi chương trình đào tạo (nếu có).
Để đáp ứng được mục tiêu đề ra, đề tài được thực hiện trên các đối tượng nghiên cứu như: Các nhà tuyển dụng và sinh viên ngành công nghệ thông tin ở các đơn vị, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển nhân lực công nghệ thông tin.
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết để nghiên cứu các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu yêu cầu chính yếu của chương trình đào tạo cử nhân/kỹ sư chuyên ngành. Phương pháp khảo sát nguồn nhân lực công nghệ thông tin và phương pháp thống kê, phân tích số liệu điều tra.
Kết quả:
Đề tài đã xây dựng phiếu khảo sát mức năng lực dựa trên Đề cương CDIO 2.0, quy trình khảo sát, quy trình xử lý kết quả khảo sát phù hợp thực tế của Khoa và của Nhà trường. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng trang web hỗ trợ thực hiện khảo sát trực tuyến cho 4 đối tượng: Tổ chức/doanh nghiệp, giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đề tài phân tích kết quả khảo sát và đưa ra chuẩn đầu ra mức độ 3 cho chương trình đào tạo đại học hai ngành kỹ thuật phần mềm và hệ thống thông tin của Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Thủ Dầu Một.
Kết quả đề tài có thể phục vụ trực tiếp cho cải tiến liên tục chương trình đào tạo hai ngành của Khoa Công nghệ thông tin. Bước đầu đã cải tiến được một số học phần cần thiết như: Đưa vào chương trình đào tạo hai ngành học phần nhập môn của ngành công nghệ thông tin nhằm hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành hệ thống công nghệ thông tin; nâng số tín chỉ của học phần cơ sở lập trình để đáp ứng yêu cầu tư duy và kỹ năng lập trình của sinh viên; bổ sung một phần kỹ năng CDIO cho sinh viên trong học phần Quản trị hệ thống và đồ án thực tập. Các nội dung này đã được triển khai cho khóa 2014 - 2015, bước đầu đã có hiệu quả rất khả quan, giúp các em có cái nhìn tổng quan về chuyên ngành, có thể thực hành một số thao tác, kiến tạo sản phẩm, tạo sự hứng thú trong học tập và được Hội đồng Khoa học và Đào tạo thông qua.
Đề tài có tính mới và tính sáng tạo như: Bổ sung, điều chỉnh nội dung, thời lượng các môn học của khoa công nghệ thông tin; hỗ trợ cho công tác xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học chuyên ngành công nghệ thông tin.
e. Thời gian nghiên cứu:
- Thời gian bắt đầu: 12/2013
- Thời gian kết thúc: 12/2014
f. Kinh phí: 51.993.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).